Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Người đổi mặt


Buổi sáng bắt đầu bằng sự kinh hoảng. Đồng hồ bưu điện thành phố đổ chuông rền rền báo 7 giờ. Ông đánh rớt cái gương con sau khi soi mặt trong cả gương lớn ở bàn cạo râu. Cái gương vỡ phát ra một tiếng cạch khô khốc, nẩy lên khỏi nền gạch hoa và lia một đường canh cách xuống cầu thang. Ông đấm vào mặt mình. Cơ hàm lún vào làm cái mặt lõm vẹt một khoảng rồi lại đàn hồi phình ra như cũ. Ông thọc hai tay vào miệng, giằng ra, muốn xé toác mặt mình như người ta dùng tay bửa đôi một quả bưởi. Bốn mắt chòng chọc nhìn nhau, thằng trong gương, thằng đứng ngoài. Rõ ràng ông đang tỉnh. Tỉnh đến lạnh người. Không say. Không mê sảng.

- Cái gì mà ầm ầm lên thế? – Tiếng bà vợ dưới tầng.

Trong gương rõ ràng là một khuôn mặt lạ. Trước hình bầu dục, nay thành lục lăng. Những nét mềm thoai thoải biến mất, nhường chỗ cho những đường cứng, sắc. Một biếm hoạ đặc tả sắc sảo cái sọ người chắc nịch bằng chì xám. Mao mạch, biểu bì căng nở hết cỡ. Độ sáng đạt đến maximum. Mớ tóc bẹp dí phía trên khoảng trán bóng loáng như được quang dầu, mũi gồ như thỏi sắt gắn vào và cơ hàm bạnh ra như đẽo từ đá tảng. Đôi mắt lấp lánh ấm áp giả tạo. Mồm vừa nhe nhe, đã vạc hai nét đen ngòm hai bên như cái ngoặc đơn chú giải đầy bí hiểm, đồng thời lộ ra cái khoang miệng đầy lưỡi, lợi đỏ lòm.  

Ông bị đổi mặt từ bao giờ? Trời!

Ông lao xuống cầu thang. Vợ ông đang dắt chiếc Spacy ra khỏi cửa. Ông nhìn thấy mặt mình méo mó, loè nhoè trôi loang loáng trên nền trắng bạc ở cốp xe. Vợ ông quay nhìn bộ mặt hốt hoảng của chồng, rồi dửng dưng nổ máy xe, phóng đến công sở. Quái lạ, sao bà ta không nói gì. Ông hấp tấp đi ra cổng sắt. Cô gái hàng xóm đang quét lá bàng rụng, dừng tay chào, tiếng chào hiền hậu thường ngày. Cây bàng to lớn, cháy rừng rực một góc phố, hôm nào cũng âm thầm trút lửa vào đêm.

- Mùa đông lá bàng đỏ nhỉ.

- Dạ vâng, đông nào lá nó cũng đỏ chú ạ.

- Màu đỏ bắt nhiệt. Nhìn đỏ thì ấm.

- Dạ.

- Tôi sang châu Âu, thấy lá phong mùa thu còn đỏ hơn thế này.

- Dạ.

Ông hoang mang nhìn thân hình tươi tốt của cô gái. Ông đang phiêu diêu trong thế giới bên kia, hay thế giới này đã thành bất khả tri, không thể nào hiểu nổi? Rõ ràng mặt ông như bị lột ra, đắp lại trong thẩm mĩ viện, mà cả vợ lẫn cô hàng xóm đều không sửng sốt chút nào.

Không ai ngạc nhiên. Không ai nhận thấy ông đổi mặt. Kì thật. Khó hiểu thật. Ý nghĩ ấy bám riết lấy tâm trí ông cho đến khi ông bước qua cái sân cỏ rộng. Không khí lặng phắc. Ông bước lên bục lễ đài. Ông nói như sủa vào micrô. Tay ông phất lên, chém xa xả vào không khí… Tiếng vỗ tay rào rào… À, thằng Mậu. Thằng này hồi xưa ở nhà tập thể trên đồi với mình. Cái hồi ấy sao mà cơ cực, hàn vi. Bọn bán gạo, bán thịt ở cửa hàng lương thực khinh khỉnh lên ngôi, còn những trí thức như thằng Mậu với mình, thiên hạ coi bằng cứt. Nhà nó tứ mùa ăn quả núc nác luộc, cái quả dài lòng thòng như lưỡi ma, đắng ngăm ngăm, trẻ con thời nay chẳng biết nó là quả chó gì. Đến bữa, vợ chồng con cái nhìn nhau, nhìn ba cái tóp mỡ nổi lều phều trong bát nước mắm, ai cũng giơ đũa muốn gắp mà lại rụt rè. Con ăn thì bố nhịn. Gà kẹp ô tô, bố mẹ nhặt về kêu rầm trời tiếc xót, con thì hoan hỉ sướng ngầm. Chính thằng Mậu biết việc mình dùng chậu úp trộm con gà bằng nắm tay của nhà Na trong bếp, dấm dúi thịt ăn, đem rổ đựng lông lên đồi đổ vào bụi rậm. Cái xóm núi quanh năm lởn vởn sương mù ấy, sao mà buồn. Chẳng điện đóm, đài địch gì, đành lấy cái trò hèn hạ ấy làm vui. Mậu ơi còn nhớ cả chứ, chắc đến giờ mày vẫn khinh tao. Mày càng muốn nhổ vào mặt tao khi thấy tao đường hoàng lên xe xuống ngựa thế này. Đừng làm thế mà ăn đạn. Ai bảo mày không cố ngoi lên làm lãnh đạo, việc ấy khó mà lại chẳng khó gì. Nhất là thằng có năng lực chuyên môn như mày. Tất cả chỉ nhờ một chữ "tốt", thủ thuật đơn giản thế mà mày không biết. Ông A tốt, ông B tốt, ông C càng tốt. Anh tốt, tôi tốt, chúng ta cùng tốt. Thưa chú, cháu đã làm xong bản kế hoạch chú giao rồi ạ. Tốt, tốt lắm. Cháu xin phép về ngay cho kịp tàu. Ừ, ừ, tốt. Không biết cháu còn kịp nhìn mặt mẹ không, chú ơi, nhà điện lên bảo mẹ cháu nguy kịch lắm rồi. Tốt, ờ, rất tốt. Khổ thân con bé, nghe tao nói thế, nó sửng sốt khóc ời ời. Mậu ơi, chắc mày có nghe thiên hạ đồn những chuyện này, từ ngày tao rời xóm núi bây giờ được thế này. Người ta chửi tao chỉ biết gật gù khen người, có bao giờ thèm để ý nghe xem ai nói cái gì. May quá sếp ơi, hôm nay trời xui đất khiến thế nào em lại lên cái xe sau, không đi cái xe đầu của sở! Tốt, tốt quá, chúc mừng. Sếp biết rồi chứ, xe của sở lao xuống vực, chết mất hai người! À, ờ, tốt, tốt. Thế đấy, chỉ bằng mấy lời "tốt, tốt" mà sự nghiệp của tao lên vù vù như chó Eskimo kéo xe trượt tuyết chở người trên Bắc Cực. Con người ta dù đức cao vọng trọng đến đâu, cái lỗ tai đầy lông vẫn thích nở ra nghe những câu nịnh giả dối ngọt ngào, chúng ta cần phải tận dụng nó Mậu ạ…

Tiếng vỗ tay nổi lên rào rào. Lời cảm ơn. Những cái bắt tay. Chiếc phong bì trăng trắng dúi vội. Chiếc xe đen bóng chầm chậm chuyển bánh. Ông nhìn thấy mặt mình trong gương xe. Nó vuông vức, lù lù một đống như cái tivi. Phì phị như ong đốt. Thử há miệng ra, thấy đỏ lòm như ngậm tảng tiết canh trong họng. Thiên hạ mù cả, thật lạ đời. Người ta biến hoá như Hành Giả, khác đi như giọt nước giọt mực thế này mà không thấy. Hay sự thay hình đổi dạng, nhân loại quen cả rồi…

Mưa đông lay phay. Mưa làm không gian tươi mát và náo nức thêm. Hoa bìm bìm nở trên hàng rào nhà ai xanh biếc. Đẹp quá, đời tươi thắm, có nghĩa quá. Chỉ những thằng ngu mới không biết làm cho cuộc đời có ý nghĩa. Chỉ những thằng ngu mới chịu cả đời nhai núc nác, mút mát tóp mỡ, một quả cà thận trọng cắn bảy lần để lùa trôi hết bảy miếng cơm. Chỉ những thằng ngu mới không biết "tốt tốt", đi từ nước bọt đi lên. Cho xe đi nhanh đi, dừng trước cái sân đen sì đầu người đằng kia. Chà, cờ hoa, biểu ngữ đỏ trời. Cái ngành giáo dục này, suốt đời chỉ ưa hình thức. Kìa thằng Bình, thằng Ký một dạo ở ty với mình. Chúng mày nhìn gì, đừng có hận tao trở mặt quay lưng từ ngày lên chức. Bụng ai chả có cứt, chúng mày cũng biến thành kì nhông tuốt nếu phải khoác xiêm áo như tao lúc này. Đi khác, nói khác, quan hệ khác là điều hiển nhiên bắt buộc. Lòng tốt đâu dễ ban phát như vãi tấm ra đường. Cũng đừng chửi tao là quan tham mà độc miệng. Làm sếp khó lắm, không biết lọm lẹm xà xẻo thì đẹp lòng dân chúng, nhưng về nhà vợ con nó vặt lông, chẻ xương róc thịt mày. Họ hàng không nhờ vả được nó cũng nhổ vào mặt mày. Kìa trông tay Thìn hiệu trưởng, rỗ như vập mặt vào bàn chông, đang đọc báo cáo tổng kết hùng hồn. Một trăm phần trăm học sinh lên lớp, vỗ tay. Chỉ đạo từ trên, dốt lòi đuôi cũng phải cho đạt chỉ tiêu, sao mà chả lên lớp hết. Học sinh khá, sáu mốt phần trăm, vỗ tay. Trong số này có khoảng mươi em chưa biết đọc, chẳng đáng kể gì. Vỗ tay, ừ thì vỗ. Mất gì chả vỗ, tí tách lẹt đẹt cho vui. Thầy cô phấn khởi, các em phấn khởi, các vị đại biểu cũng chả tội gì không phấn khởi. Vui, vui. Ông quên bẵng cái mặt dày. Ông phơi phới lên đọc bài phát biểu. Sao lù lù toàn những con số thế này, thôi thằng thư kí đưa nhầm mẹ nó cái tờ dùng để đọc bên hội nghị thương mại rồi. Kệ cha mày, cứ đọc. Có ai nghe đâu, sợ gì mà chả đọc. Đọc hết trang này, có đà, ta sẽ nói vo. Tốc độ phát triển… mỗi năm… tấn… tấn, dù kinh tế phát triển nhanh mạnh đến đâu cũng không thể thiếu được vai trò của quốc sách hàng đầu là giáo dục. Đến Trung Quốc còn phải kìm tốc độ tăng trưởng nóng về kinh tế để quan tâm hơn đến văn hoá – giáo dục. Tôi muốn nói, nhà trường là cái đinh. Các thầy cô giáo là cái đinh. Cái đinh không thể thiếu trong vận hành cỗ máy…

Tiếng vỗ tay rầm rầm. Xe đi trong mưa đông lay phay. Năm hết Tết đến, còn nhiều cơ quan sơ kết, tổng kết, ông phải chạy sô. Kìa hoa bìm bìm bên rào ai xanh biếc.

"Hôm nay cọp xuống núi nhá".

"Trưa không về hang hả?".

"Cả ngày".

"Đi săn ở rừng nào, hoàng hậu?".

"Tuỳ. Chỗ nào ít cây ấy".

"Rừng phong. 11h. O.K?".

"O.K".

Vợ ông ngửa mình trên ghế ở văn phòng cơ quan, thoăn thoắt bấm máy di động, tủm tỉm cười một mình. Nhắn tin cho bồ bằng thứ ngôn ngữ được mã hoá là một thú vui của bà. Đối thoại trên, tạm dịch là:
"Hôm nay lão ấy bận đi công việc nhá".

"Trưa lão không về nhà hả?".

"Cả ngày".

"Mình gặp nhau ở khách sạn nào được, em?".

"Tuỳ. Chỗ nào vắng người ấy".

"Nhà nghỉ Gió Rừng. 11 giờ nhé. O.K?"

"O.K".

Gần 11 giờ trưa, bà đi xe máy đến nhà nghỉ ven đồi, mặt bịt khăn trắng như phụ nữ xứ sở đạo Hồi. Nhà nghỉ này từng mang tên Lá Bàng Đỏ. Trước nhà và dọc lối đi chênh vênh rải sỏi trồng toàn bàng. Từ xa đã thấy màu đỏ tía, đỏ tịm như máu người đông lại, rừng rực một góc trời. Gió qua đồi thổi xuống ào ào, loạt xoạt, lao xao, rụng tơi bời hàng lớp lá.  

Hắn nằm ở tầng ba, trùm chăn kín mít. Rón rén lật chăn, bà hét lên. Hắn đang trần truồng, bụm tay ở háng giữ chùm thịt thỗn thà thỗn thện, cái bụng phồng căng như bọc trứng nhện sắp vỡ, kìn kịt lông đen. Đàn bà khoả thân thì đáng yêu, đàn ông khoả thân trông cứ buồn cười, tởm tởm. Hắn cười cùng cục. Chớp mắt, tấm chăn hất choàng lên, ấn bà vào màn đêm ngập ngụa. Bốn bề rùng rùng tối đen như âm phủ. Ứ, bỏ ra, ngột lắm. Tối thế mới thích. Đâu đây tiếng kim loại lách cách.

Chiến trận bắt đầu, nhanh chóng vào hồi cam go nhất. Bà biến thành đàn ông, sức lực phi phàm. Hắn chuyển thành đàn bà, có nguy cơ mềm rũ.

"Hôm trước phong độ thế, sao hôm nay bấy như rắn lột thế này?".

Hắn liền gầm lên, đằng đằng sát khí. Hắn quyết tử cho bà quyết sinh. Hắn vặn mình ộc ra cá ngựa, kì đà, ngũ xà, tay gấu, những tinh năng dồn tích cả tuần cho một lần cống nạp. Trắng toát. Trắng toát. Tạo hoá sản sinh mỗi ngày hàng tỷ, hắn sẵn sàng văng mạng thí quân…

Vụ mùa bội thu.

Bà hỉ hả ngồi đếm phong bì như những mảnh thiên thạch trắng lốp từ đâu rơi xuống đầy nhà. Những bánh ô tô đỏ bụi đường xa dừng trước tiền sảnh thưa dần. Tiếng vỗ tay dạt dào ở các cơ quan xa gần cũng ngớt. Hoa đào bật hồng trên nhánh xù xì mốc thếch. Tết đến sân rồi.

Ông về nhà mẹ. Sông ngòi lấp lánh, núi non phơi bày như vú ngổn ngang, đi gần hết buổi chiều mới đến. Nhà mẹ trong một thung lũng trồng ngô và đậu tương. Thấy chiếc xe hơi đen bóng chạy vào sân, bà cụ lò dò bước ra. Người già như cái cây trong ruỗng, ngoài khô, sắp rã thành bột nâu lẫn vào với đất rồi. Cụ dụi mắt mấy lần.

- Mẹ ơi, con đây mà. Con về chúc Tết mẹ đây.

Bàn tay khô nhẽo như xác rắn sờ soạng trên người ông.

- Đúng anh cả rồi, mà sao cái mặt bây giờ trông lạ thế này…

Anh lái xe bê thùng quà Tết vào nhà. Ông quỳ xuống, bám vạt áo mẹ, khóc nấc lên:

- Mẹ ơi, cả thành phố, cả nhà con, không ai nhận ra con bị đổi mặt. Mắt mẹ loà thế, mà sao mẹ lại nhìn thấy, mẹ ơi…

Bàn tay khô xác lần sờ những vật bày lỏng chỏng trên bàn.

- Mày mang về nhiều thế này làm gì, mẹ ăn sao được. Còn răng đâu, sức đâu… Nước à, tao uống nước đá vôi ở đây cả đời, vôi đóng cục trong bụng rồi, không quen uống nước chai này. Mày bảo mặt mày khác đi không ai thấy, thế mà dân vùng này xem tivi người ta thấy cả đấy. Họ bảo mày không còn giống cái thằng Tũn cởi truồng chăn trâu chăn ngựa, con à. Họ bảo mày đi sang nước gì mua về cho vợ cái ví bằng cả chục triệu đồng bên này. Dân mình làm mấy cái nương mới có tiền mua được, mày làm thế không thấy xót trong lòng à. Không thấy thương người cuốc nương cuốc ruộng à. Cái ví nó bằng da người hay da con gì mà đắt thế hả con? Mày nhiều tiền thế mà có con đường vào xã, vừa lầy vừa đá, dân đi khổ bao nhiêu năm rồi mày chẳng cho làm…

Chiều tà. Ông tha thẩn một mình trong thung lũng. Trèo lên đá, soi mặt xuống vũng trâu đằm. Cái mặt đầy phè, đen đen một vệt như bãi cứt trâu, ghét quá thể. Càng nhìn càng tiếc cái mặt thoai thoải trước kia. Ông nhổ bọt vào mặt mình. Ném đá tùm tũm xuống mặt mình. Cái mặt vỡ ra, trôi loằng ngoằng rồi tụ lại đen sì. Ông bê hòn đá tướng, lẳng ùm xuống vũng. Cái mặt biến mất, sục lên mùi bùn hôi hám và mùi nước đái trâu. Ông tức tối đi phăm phăm. Chợt nảy ý nghĩ: Giá bây giờ được cởi truồng đi tung tăng như hồi bé nhỉ. Đầu nghĩ tay làm, ông cởi phăng mọi xiềng xích lệ bộ trên người. Comlê, cà vạt, áo lót, quần đùi. Trời ơi, sướng quá. Được làm thằng dân khoái quá. Không khí ngọt ngào mùi đất, mùi ngũ cốc. Thấm vào ngực, vào bụng, vào chim. Bãi đậu tương vàng lốm đốm trải thênh thênh, màu vàng sưởi ấm cả thung lũng. Những trò trồng nụ trồng hoa, bịt mắt bắt dê thuở bé náo nức hiện về. Hứng chí, ông lấy đà nhảy những bước dài từ đầu này đến đầu kia bãi đậu, vừa nhảy vừa đếm. Hầy, một… hai… ba… năm… bảy… Hầy, một… hai… ba… năm… bảy… Trăng lên. Ánh vàng ngời ngời của trăng lẫn với màu vàng của lá đậu tương, không thể nào phân biệt nổi. Trăng rờ rỡ quết vàng lên người ông, cả lưng, cả ngực, cả chim. Tự do chạy nhảy thoả thuê, ông vắt quần áo lên vai, tồng ngỗng đi về như một người vượn Neandectan thời tiền sử. Toàn thân bắt ánh trăng, loe loé vàng. Cái mồm vều ra, in thành vệt dài ngoằng trong bóng trăng trên mặt đất…

- Lạ chưa kìa! Mặt mày lại giống y cái mặt thằng Tũn ngày xưa rồi!

Bà cụ hấp háy mắt, kêu thảng thốt. Ông soi mặt vào chum nước dưới trăng. Trong chum lung linh hiện lên cái dung mạo nguyên thuỷ của ông, nhẹ nhõm, thuần phác, lành hiền như nặn bằng đất thó. Ông cười chảy nước mắt. Cuộc luân hồi tìm về bản thể nhanh chóng thế này sao? Ông ngồi đến cạn đêm với mẹ bên bếp lò, thu lu bó gối như thằng bé ngày xưa thức chong chong bên nồi luộc bánh. Anh lái xe say rượu ngủ trên chõng tre, mặt loang lổ ánh trăng. Ông có linh tính rằng mình chỉ được mang khuôn mặt âm bản này trong vòng mấy tiếng đồng hồ. Nó sẽ mất đi, khi ngày mai ra tới thành phố.

Lúc ông trần truồng nhảy qua nhảy lại như con vượn trong thung lũng, ở hai đầu thành phố, vợ ông và hắn lại ném vào mây gió những cái tin.

"8h lại đến rừng phong nhé. Cọp thăm cọp mẹ, mai mới về".

"O.K".

"Cuộc săn đêm nay hứa hẹn gì không?"

"Yên tâm đi. Thách không, làm vỡ cả trục bánh xe bò. Cà dê vừa đả một bình, hôm nay ngang tầm Lao Ái".

Truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét