Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Đông Triều với công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản: Làm sao để có “tâm” lại có “tầm”?


Trách nhiệm với di sản

Đông Triều là vùng đất giàu truyền thống văn hoá với "kho" di sản phong phú, giàu có để lại cho hôm nay. Theo thống kê, trên địa bàn có 133 di tích các loại, trong đó có 25 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt. Song song với việc các di tích được công nhận, xếp hạng, công tác khảo cổ, nghiên cứu khoa học, đề xuất phương án bảo tồn được đẩy mạnh, đặc biệt là quần thể lăng mộ các vua Trần và hệ thống kiến trúc tôn giáo liên quan đến lịch sử nhà Trần.

Con đường từ hồ Trại Lốc đến suối Phủ Am Trà (di tích Ngoạ Vân) được huyện huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp san gạt, mở rộng tháng 6-2012.
Con đường từ hồ Trại Lốc đến suối Phủ Am Trà (di tích Ngoạ Vân) được huyện huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp san gạt, mở rộng tháng 6-2012.

Quan tâm sớm đến cụm di tích này, địa phương đã mạnh dạn huy động trùng tu một số công trình như: Đền An Sinh, Ngải Sơn lăng (lăng vua Trần Hiến Tông) và 2 ngôi tháp cổ tại khu vực Thông đàn của di tích Ngoạ Vân. Nhằm cải tạo cơ sở hạ tầng vào các điểm di tích, Đông Triều đã huy động các doanh nghiệp trên địa bàn san, gạt mở tuyến đường dài 3km, rộng 15m từ hồ Trại Lốc đến Phủ Am Trà, xã hội hoá làm các đường tràn qua các suối, khe trên tuyến đường này. Đồng thời, huyện đã phối hợp với Tỉnh hội Phật giáo tiến hành xây dựng tuyến đường kè đá hành hương từ dốc Đô Kiệu lên khu vực am – chùa Ngoạ Vân. Hiện nay, quần thể di tích nhà Trần tại Đông Triều đã được tỉnh lập quy hoạch tổng thể, trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các điểm di tích như Thái lăng (lăng vua Trần Anh Tông), đền Thái đã và đang được lập dự án trùng tu, tôn tạo để phát huy giá trị.

Cùng với các hoạt động tôn tạo, việc phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hoá trong cộng đồng dân cư thông qua việc tổ chức lễ hội cũng được quan tâm. Toàn huyện hiện có 45 lễ hội truyền thống thu hút nhiều lượt khách về tham dự hàng năm. Đây cũng là dịp và là môi trường để thúc đẩy, lan toả nhanh chóng của hát chèo, loại hình nghệ thuật truyền thống xuất hiện sớm ở nơi đây từ thời Nguyễn (đầu thế kỷ 20). Khi ấy, địa phương đã có những phường hát chèo, đội hát chèo có bài bản, quy mô như: Gánh hát chèo làng An Biên (xã Thuỷ An), gánh hát chèo làng Mỹ Cụ (xã Hưng Đạo), gánh hát chèo làng Quế Lạt (xã Hoàng Quế), gánh hát chèo xã Đức Chính, xã Yên Đức… Một thời mai một, phôi pha đi vì những khó khăn sinh kế đời thường, đến đầu những năm 90 hát chèo lại dần được khôi phục trở lại. Từ năm 1997 đến 2003, huyện đã mở lớp hát chèo cho các học viên là các em nhỏ, những người yêu thích chèo do các nghệ nhân có kinh nghiệm trong hát chèo cổ trực tiếp giảng dạy. Đến nay, lớp học đã duy trì 7 khoá liên tục, đào tạo được hàng trăm học viên, bổ trợ kiến thức hát chèo, luyện thanh, luyện phách, nhịp trống chèo cho các học viên trên toàn huyện. Hiện nay, 175 làng, khu phố văn hoá trên địa bàn đều có ít nhất một CLB hát dân ca hoặc đội văn nghệ. Trong đó đặc biệt là có 34 đội văn nghệ có hát chèo với 308 hội viên đều đặn duy trì luyện tập những làn điệu chèo cổ và các tiết mục chèo tự biên ca ngợi đất nước, con người Việt Nam, quê hương Đông Triều ngày càng đổi mới…

Cần một tầm nhìn xa

Tuy đã có những kết quả đáng kể nhưng thực tế, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế. Đó là tình trạng vi phạm di tích, ở một số nơi, việc tu bổ di tích chưa tuân thủ theo quy định trong việc tôn trọng giá trị gốc, thiếu quy hoạch, thiết kế, chỉ đạo chuyên môn, dẫn đến không ít công trình bị biến dạng như: Chùa Quỳnh Lâm, phục dựng Ngải Sơn lăng và đền An Sinh… Những hạn chế này do cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan khi nhìn nhận về tu bổ di tích. Tới đây, khi quy hoạch tổng thể khu di tích nhà Trần tại Đông Triều được phê duyệt, chắc chắn việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích sẽ có hiệu quả cao hơn. Hay như phục vụ lễ hội đền An Sinh năm nay, huyện đã đầu tư mở rộng khuôn viên, tu sửa, nâng cấp nhà trưng bày, mua sắm thiết bị với tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng. Trước sự việc này, đã có không ít người cho là huyện đã đầu tư quá mức trong điều kiện thực tế di tích trên địa bàn hiện nay.

Bên cạnh đó, việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát chèo dù đã có những quan tâm đáng kể song sự đầu tư kinh phí vẫn hạn chế trong mua sắm trang phục biểu diễn, loa máy, trang trí sân khấu, đạo cụ… Nhiều lớp nghệ nhân đã già đi từng năm, chưa có các lớp kế cận xuất sắc trong khi nhiều bạn trẻ dần xa nhạt chèo. Hiện nay, nguồn kinh phí chủ yếu để duy trì các CLB chèo là huy động xã hội hoá của những người yêu hát chèo trong CLB, kinh phí đóng góp của các hội viên nên chỉ đủ thuê loa máy, nhạc cụ phục vụ tập luyện, không có kinh phí để mua nhạc cụ, loa máy, trang phục, hỗ trợ các buổi giao lưu văn nghệ v.v..

Ngọc Mai



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét