Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Phát triển kinh tế cửa khẩu: Còn nhiều nút thắt


Trong tổng thể quan hệ kinh tế – thương mại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh Quảng Ninh đã xác định trong giai đoạn tới kinh tế cửa khẩu phải trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội của từng địa phương khu vực biên giới. Đặc biệt, tỉnh sẽ phát huy mọi nguồn lực và tiềm năng, lợi thế để xây dựng TP Móng Cái trở thành Trung tâm thương mại lớn mang tầm cỡ quốc tế, một thị trường sôi động có sức cạnh tranh cao, là cầu nối của 2 thị trường lớn ASEAN – Trung Quốc, các nước phía Bắc và ngược lại.

Các phương tiện vận chuyển hàng hoá trên sông Ka Long (TP Móng Cái).
Các phương tiện vận chuyển hàng hoá trên sông Ka Long (TP Móng Cái).

Theo số liệu thống kê kết quả hoạt động thương mại biên giới của tỉnh, giai đoạn 2006-2011, kim ngạch xuất nhập khẩu của từng loại hình cửa khẩu qua các năm đều tăng; hàng hoá trao đổi chủ yếu qua các cửa khẩu quốc tế chiếm 48%, lối mở biên giới chiếm tỷ trọng 33%, cửa khẩu phụ chiếm tỷ trọng 15% và cuối cùng là cửa khẩu chính chỉ chiếm 4% trong tổng kim ngạch hàng hoá trao đổi qua biên giới. Về cơ cấu hàng hoá xuất, nhập khẩu, các doanh nghiệp của Việt Nam nhập chủ yếu các loại vật tư, thiết bị, hàng dân dụng… và xuất khẩu nhiều loại nông – thuỷ sản, thực phẩm, nguyên liệu thô, đồ gỗ. Việc duy trì hoạt động xuất nhập khẩu và các dịch vụ cửa khẩu như tạm nhập tái xuất hàng hoá, chuyển khẩu, kho ngoại quan đã tạo điều kiện cho các khu vực cửa khẩu khai thác, phát huy được thế mạnh và tiềm năng của mình, kết hợp nội lực với ngoại lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý hơn. Thông qua đó đã dần tạo nên những khu kinh tế cửa khẩu năng động có sức lan toả tác động mạnh mẽ tới phát triển thương mại nội địa. Tiêu biểu như khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đã có sự phát triển mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng được cải thiện rõ rệt, đời sống của người dân vùng biên được nâng cao.

Tuy nhiên, nhìn nhận lại thời gian qua thấy rằng việc phát triển kinh tế – xã hội các khu kinh tế cửa khẩu cũng còn bộc lộ nhiều tồn tại, tập trung chủ yếu và các nút thắt cần tháo gỡ đó là: Hạ tầng và cơ chế chính sách. Đặc biệt, chưa xây dựng được một hệ thống chính sách pháp quy để phát triển các loại hàng phục vụ xuất khẩu qua biên giới mà phần lớn các chính sách đều bị động và thay đổi liên tục đã gây nhiều khó khăn và ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế cho các chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực này. Đơn cử như đối với việc quản lý hoạt động tạm nhập tái xuất, chính sách quản lý đã thay đổi liên tục. Ngày 9-8-2012, Bộ Công thương ban hành công văn số 301 về việc tạm ngừng hoạt động tạm nhập tái xuất (TNTX), chuyển khẩu xăng dầu qua các điểm thông quan và khu chuyển tải Vạn Gia. Tiếp tới ngày 7-9-2012, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23 về điều chỉnh một số hoạt động liên quan đến hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, nhập khẩu, xuất khẩu hàng thực phẩm đông lạnh. Ngày 17-9-2012, Bộ Công thương có công văn số 8818 về quy định một số mặt hàng tạm ngừng kinh doanh TNTX gồm các mặt hàng đã qua sử dụng, thực phẩm đông lạnh là phủ tạng, phụ phẩm gia súc… Do đó tình hình xuất nhập khẩu trên địa bàn đã giảm gần 30%. Số doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK trước đây là trên 1.000 nhưng đến thời điểm này chỉ còn khoảng 700 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp dừng hoạt động chủ yếu là kinh doanh trong lĩnh vực TNTX. Điều này đã gây tác động mạnh đến đời sống của hàng vạn người lao động, trên 1.000 phương tiện đò tham gia dịch vụ vận chuyển hàng hoá tại khu vực biên giới.

Để các Khu kinh tế cửa khẩu phát triển năng động và bền vững, Quảng Ninh rất cần sự tích cực ủng hộ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong việc xây dựng chính sách thực sự hướng vào mục tiêu gia tăng xuất khẩu, để phát huy tối đa lợi thế "địa kinh tế" của khu vực biên giới. 

Nguyên Lâm



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét