Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Cần tiếp “lực đẩy” từ những chuyển động


Trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới có 1 tiêu chí quan trọng liên quan đến kinh tế tập thể đó là việc tổ chức hình thức sản xuất trên tại địa phương xây dựng nông thôn mới phải có hợp tác xã hoặc tổ hợp tác sản xuất hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, các tiêu chí khác như vấn đề: đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch, dồn điền đổi thửa hình thành các cánh đồng mẫu lớn, các trang trại, làng nghề quy mô theo hướng chuyên canh nhằm mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao hơn, vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn… đã cho thấy vai trò quan trọng của các HTX tổ hợp tác trong việc thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Lương Tá, Chủ tịch Liên minh HTX-DNNQD tỉnh cho biết: Đối với HTX nông nghiệp, hiện nay 124 HTX đã thực hiện chuyển đổi từ mô hình HTX cũ sang mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2003. Phân theo loại hình sản xuất kinh doanh có 106 HTX dịch vụ nông nghiệp, 4 HTX lâm nghiệp, 12 HTX thuỷ sản, 2 HTX dịch vụ khác. Các HTX nông nghiệp đã đảm nhận một số khâu dịch vụ, giúp cho các hộ xã viên thực hiện những công việc mà từng hộ xã viên không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện kém hiệu quả. Hầu hết các HTX dịch vụ nông nghiệp đều có 3 loại hình dịch vụ là tưới tiêu và thuỷ lợi nội đồng, dịch vụ giống cây trồng, dịch vụ khuyến nông và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Các dịch vụ khác chiếm tỷ trọng thấp, chất lượng dịch vụ chưa cao. Một số HTX dịch vụ nông nghiệp đã mạnh dạn phát triển thêm các lĩnh vực mới để hỗ trợ xã viên và nâng cao hiệu quả kinh doanh, như: quản lý chợ, vệ sinh môi trường, tín dụng nội bộ, đại lý cung ứng vật tư nông nghiệp. Hiện 65% HTX làm dịch vụ từ 3-4 khâu, có 45% HTX làm dịch vụ 5 khâu trở lên, không còn HTX chỉ đơn thuần làm dịch vụ 1-2 khâu.

Cây củ đậu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Khê (Đông Triều).
Cây củ đậu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Khê (Đông Triều).

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã xuất hiện một số HTX năng động, thích ứng tốt trong cơ chế mới. Điển hình như HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Khê (Đông Triều) đã thành lập một bộ phận kinh doanh do 50 xã viên cùng góp vốn làm dịch vụ cung ứng vật tư, phân bón cho xã viên, đã cạnh tranh thành công với các thành phần kinh tế khác trên địa bàn. Hiện HTX này đã triển khai 10 điểm dịch vụ tại 9 cụm dân cư đảm bảo phục vụ kịp thời cho xã viên và góp phần bình ổn giá tại thị trường địa phương. Ngoài ra, HTX còn tổ chức bộ phận dịch vụ vận tải và làm đất, giải quyết việc làm thường xuyên cho 19 người. Doanh thu năm 2011 đạt trên 5,5 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm 2006. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, doanh thu của HTX Bình Khê đã đạt vượt doanh thu của năm 2011.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Dương (Đông Triều) không chỉ dừng lại ở các dịch vụ sản xuất nông nghiệp, tranh thủ sự ủng hộ của cấp uỷ, chính quyền xã và huyện mà còn lập đề án tổ chức quản lý và kinh doanh chợ Bắc Mã thay cho mô hình Ban quản lý chợ trực thuộc UBND xã trước đây, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. HTX Toàn Dân (Ba Chẽ) đảm nhiệm việc trồng và chăm sóc hàng ngàn hec-ta rừng tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đã giải quyết việc làm thời vụ và thường xuyên cho hàng trăm lao động là người dân tộc thiểu số địa phương, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội miền núi. Các Hợp tác xã nông nghiệp Bạch Đằng, HTX nông nghiệp dịch vụ Tiền An 1 (Quảng Yên), HTX nông nghiệp Hồng Hải (Hạ Long) là đầu mối hỗ trợ con giống, kỹ thuật, vật tư và tổ chức xúc tiến thương mại, đăng ký nhãn hiệu, phát triển thương hiệu nhằm tiêu thụ sản phẩm của các hộ gia đình. HTX nông – ngư nghiệp Hải Yến (Quảng Yên) quản lý và khai thác hiệu quả hàng ngàn hec-ta đầm nuôi trồng thuỷ sản, là một trong số ít HTX của toàn quốc có Quỹ phúc lợi hưu trí cho xã viên.

Tuy nhiên, số lượng các HTX dịch vụ nông nghiệp sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao còn quá ít. Nhìn chung, phần lớn các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ tổ chức được một số dịch vụ cho xã viên như: Khuyến nông, tưới tiêu nước, bảo vệ thực vật, thú y, cung ứng giống, phân bón, chưa tổ chức sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung. Điểm yếu của các HTX nông nghiệp hiện nay là chưa huy động được xã viên tham gia các hoạt động dịch vụ của HTX vì thế chưa huy động được nguồn vốn trong xã viên. Vì vậy, hoạt động dịch vụ của HTX còn đơn điệu, chưa có chiều sâu, nhất là dịch vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, việc vay vốn tại các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn trở ngại trong khi cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực tài chính trong nội bộ HTX còn hạn chế. Điều này cũng lý giải tại sao hoạt động sản xuất kinh doanh trong các HTX còn nhỏ bé, sức cạnh tranh thấp, tính bền vững chưa cao. Thậm chí hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều HTX vẫn còn tên mặc dù đã ngừng hoạt động nhiều năm nhưng vẫn chưa giải thể.

Hiện nay, tỉnh vẫn tiếp tục chỉ đạo đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, trong đó có HTX nông nghiệp với những mục tiêu cụ thể. Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Công Ngàn, Trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Các HTX, nhất là các HTX dịch vụ nông nghiệp có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, các HTX cần tổ chức lại việc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo hình thức vừa làm dịch vụ, vừa kinh doanh để có lợi nhuận cho xã viên và HTX; chủ động liên kết với thị trường, với doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi của xã viên, từ đó tạo điều kiện cho việc phát triển sản xuất hàng hoá với quy mô lớn. Các địa phương trên cơ sở củng cố, đổi mới các HTX hiện có, cần khảo sát, đánh giá lại thực trạng tồn tại của các HTX để giải thể các HTX tồn tại mang tính hình thức, đẩy mạnh phát triển các HTX hiện có để từng góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hữu Việt



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét