Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Xã Tiền An: Đẩy mạnh sản xuất rau an toàn


Xã Tiền An (Quảng Yên) có tổng diện tích trên 1.000ha đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp trên 600ha; lao động nông nghiệp chiếm trên 64%. Đây là điều kiện thuận lợi để Tiền An phát triển sản xuất nông nghiệp. Vì thế, Tiền An đã xác định hình thành vùng sản xuất rau an toàn là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế của địa phương.

Tiền An hiện có trên 933ha diện tích đất canh tác rau màu. Trong đó, xã đã quy hoạch được 177ha đất chuyên rau màu, giá trị sản xuất bình quân đạt từ 48-70 triệu đồng/ha, nhiều diện tích canh tác rau còn đạt tới 100 triệu đồng/ha. Trước đây, vì lợi ích trước mắt, nhiều người dân đã sử dụng các loại thuốc tăng trưởng hay thuốc bảo vệ thực vật không rõ xuất xứ, mặc dù các loại thuốc này cho hiệu quả nhanh nhưng hậu quả thì khó lường, gây hại tới sức khoẻ của con người, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân… Trước nhu cầu của thực tế, xã Tiền An đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn từng bước triển khai xây dựng vùng sản xuất rau an toàn theo hướng tập trung trên địa bàn xã. Xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm chuyển giao công nghệ, phổ biến kiến thức sử dụng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng cho bà con nhân dân. Cùng với đó, quy trình sản xuất rau được tăng cường quản lý chặt chẽ hơn trước. Mỗi người trồng rau đều được các cán bộ chuyên môn xã hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, ghi nhật ký sản xuất, chăm bón rau cụ thể. Công tác vệ sinh đồng ruộng như thu gom vỏ bao bì của thuốc sau khi sử dụng cũng được nông dân thực hiện nghiêm túc và đảm bảo.

Bà con nông dân xã Tiền An (Quảng Yên) chăm sóc rau màu.
Bà con nông dân xã Tiền An (Quảng Yên) chăm sóc rau màu.

Nhằm phát huy tiềm năng về sản xuất rau màu, xã đã tập trung nâng cấp và xây mới các tuyến kênh mương, đến nay đã kiên cố hoá kênh cấp 2, cấp 3 được 26,7/53,5km. Các trục đường giao thông nội đồng cũng đang được triển khai xây dựng, đến nay cũng đã có 36,2km đường trục chính nội đồng được cứng hoá, để thuận tiện cho người dân vận chuyển, giao lưu hàng hoá. Đáng chú ý, hiện chính quyền xã cùng với đơn vị thiết kế là Viện nghiên cứu Rau, quả đang từng bước hoàn thiện quy hoạch các vùng sản xuất rau an toàn để nhanh chóng triển khai trong thời gian tới. Theo đó, xã sẽ quy hoạch xây dựng khu vực sản xuất rau an toàn và khu trình diễn mô hình sản xuất tại xóm Cây Sằm, xóm Đình và xóm Bãi 2 với 122 hộ tham gia canh tác trên diện tích là 20ha, trong đó bao gồm: Nhà sơ chế, khu sản xuất giống và hệ thống nhà lưới theo quy trình. Điều này sẽ góp phần xây dựng, giới thiệu các sản phẩm nông sản đến được nhiều nơi hơn, giúp bà con nông dân không phải lao đao về giá cả và nơi tiêu thụ. Chị Đàm Thị Huế, xóm Đình cho biết: Nghề trồng rau ở xã Tiền An đã có từ rất lâu, nó là nghề truyền thống của gia đình tôi. Nắm bắt nhu cầu thực tế của thị trường đó là sử dụng rau sạch, gia đình tôi cùng một số hộ dân trong xã đã triển khai mô hình trồng rau an toàn. Thời gian đầu thực hiện, gia đình gặp không ít khó khăn và bỡ ngỡ do đã quen với tập tục canh tác, sản xuất cũ, cứ nghe thấy bảo có loại thuốc gì làm cây phát triển nhanh mà ít sâu bệnh là thi nhau đi mua về sử dụng tràn lan. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn tỉ mỉ của chính quyền địa phương, các hộ trồng rau trong vùng nay đã biết và sử dụng các loại thuốc, phân bón theo đúng chỉ dẫn của cán bộ khuyến nông, đảm bảo cho cây phát triển tốt nhưng không ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng. Bên cạnh việc cây phát triển tốt, rau bán cũng được giá hơn, tiêu thụ được nhiều hơn, vào lúc cao điểm cả xã bán tới 20 tấn rau/ngày cho thương lái. Hiện nay, thu nhập từ rau mang lại cho gia đình tôi 100-200 triệu đồng/năm.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Văn Tất, Bí thư Đảng uỷ xã Tiền An cho biết: Trong cơ cấu kinh tế của xã hiện nay, nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo mang lại thu nhập chính cho người dân, bên cạnh đó xã cũng có những thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nhất là trồng rau màu như: điều kiện thổ nhưỡng rất tốt, nguồn nước tưới tiêu ổn định, người nông dân có kinh nghiệm lâu đời. Vì vậy nhằm phát triển kinh tế của xã đồng thời cũng là nâng cao mức sống của người dân, chính quyền xã đã chỉ đạo và khuyến khích bà con dồn điền đổi thửa, thâm canh để phát triển vùng sản xuất rau an toàn. Nhờ đó, đời sống nhân dân trong xã đã được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 3,5%. Trong thời gian tới, khai thác những lợi thế của địa phương, xã sẽ tiếp tục chú trọng đẩy mạnh phát triển vùng trồng rau an toàn trở thành những vùng rau sạch trên địa bàn xã. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của xã đó chính là vốn đầu tư phát triển các vùng sản xuất rau sạch. Để sản xuất rau an toàn, không chỉ cần đảm bảo các yếu tố về phân bón, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật mà còn phải đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà lưới, xưởng chế biến, kênh mương nội đồng… để đảm bảo chất lượng của rau. Nhìn nhận từ thực tế khách quan cho thấy, bước đầu người nông dân đã dần tiếp cận được phương thức sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh nhưng khâu tiêu thụ, phân phối sản phẩm vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, lượng rau an toàn của người trồng rau ở đây chưa vào được các siêu thị; chưa có các đại lý phân phối. Khi bán tại các chợ thì rau an toàn cũng chẳng hơn gì các loại rau được trồng theo cách thông thường, người mua chưa phân biệt được đâu là rau an toàn. Do đó, hy vọng trong thời gian tới, các cấp các ngành sẽ có những giải pháp nhằm hỗ trợ hiệu quả nhằm phát triển sản xuất cho vùng rau an toàn của xã.

Cao Quỳnh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét