Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Bài 1: Hãi hùng thức ăn đường phố


Tiện lợi, rẻ và phù hợp với cuộc sống bận rộn là những lợi thế khiến thức ăn đường phố trở thành lựa chọn số một của không ít người dân hiện nay. Tuy nhiên, đằng sau lợi thế ấy là nhiều nguy cơ không bảo đảm sức khoẻ cho người tiêu dùng, nhất là ở các quán hàng nhỏ lẻ tự phát.

Hầu hết không đảm bảo vệ sinh

Khu vực bán hàng quà vặt ở chợ Hạ Long 1 hiện bày bán rất nhiều loại đồ ăn sẵn như: Chè, nước giải khát, miến, đồ hầm, bánh trái các loại… Thường khu vực này chẳng bao giờ vắng khách nhưng đông đúc nhất vẫn là vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều. Đồ ăn, thức uống ở đây không chỉ phục vụ nhu cầu của những tiểu thương bán hàng trong chợ mà còn phục vụ cả các bà nội trợ, khách vãng lai, cánh lái xe ôm. Cả khu vực bán hàng chỉ rộng chưa đầy 10m2, nhưng có gần 15 hàng quán ngồi san sát, bám dọc vỉa hè con phố nhỏ. Điểm đặc trưng của những hàng quán này là không đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) theo quy định của Luật An toàn thực phẩm. Như: Thực phẩm không được bày bán trên bàn, giá, kệ mà được bày la liệt trên thúng, mẹt hoặc chiếc bàn gỗ nhỏ; nguyên liệu để chế biến cũng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại; không đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh…

Một điểm bán chè giải khát tại khu vực chợ Hạ Long 1 không có mái che, không có dụng cụ đậy thực phẩm.
Một điểm bán chè giải khát tại khu vực chợ Hạ Long 1 không có mái che, không có dụng cụ đậy thực phẩm.

Tại hàng bán miến ngan, chủ quán chỉ có một bộ bàn ghế nhỏ, một nồi nước dùng sôi sùng sục, một rổ đựng miến đã được rửa sẵn, một bát to đựng thịt ngan chín lọc sẵn, một bát đựng lòng, mề ngan và vài lọ gia vị… Tất cả đều không được che đậy. Khâu chế biến theo yêu cầu của khách cũng rất giản tiện, chủ quán thực hiện các khâu gần như đều bằng tay để trần. Đáng nói nữa là nguồn nước để rửa bát, đũa ăn cho khách chỉ được đựng trong 2 chiếc thùng nhựa vốn được tận dụng từ những chiếc thùng sơn cũ. Sau khi khách hàng ăn xong, người phục vụ quán gom đồ thừa đổ vào 1 chiếc thùng nhựa. Rồi thả chung tất cả bát, đũa vào chiếc thùng nhựa khác có sẵn bọt dầu rửa bát. Khi khẽ tay gạt lớp bọt dầu rửa bát đó, trong thùng lộ ra thứ nước màu nhờ nhờ. Có lẽ, thùng nước rửa bát này đã được dùng để rửa rất nhiều lượt bát, đũa trước đó. Thế nhưng, số bát đũa đã được rửa bằng thứ nước nhờ nhờ đó chỉ được người phục vụ tráng qua loa bằng một thùng nước để bên cạnh.

Dạo thêm một vòng qua những điểm thường tập trung đông những quán bán hàng kinh doanh thức ăn đường phố như: Chợ, cổng trường học, cổng bệnh viện, nơi tập trung đông dân cư… những vấn đề tồn tại trong bảo đảm ATVSTP là khá phổ biến. Điển hình như ở chợ Cột 5, TP Hạ Long, có những quầy bán thức ăn chín được đặt sát ngay cạnh quầy bán thịt lợn sống. Ở các khu vực cổng trường bám dọc quốc lộ 18A, những chiếc xe đẩy bán xôi hay những quán bán bánh mì patê, trứng, ruốc, giò… gần như không có tủ kín để bảo quản thực phẩm khỏi bụi đường; thậm chí, việc dừng xe, dựng quán bán hàng còn được làm ngay cạnh những cống rãnh thoát nước bốc mùi hôi, thối.

Quản lý – Khó từ nhiều phía

Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế),  toàn tỉnh có trên 4.300 cơ sở dịch vụ ăn uống do tuyến huyện, tuyến xã quản lý. Trong số này, thức ăn đường phố chiếm hơn 87%. Việc quản lý những cơ sở dịch vụ này cũng không đơn giản, dễ dàng. Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn đường phố phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm VSATTP, mỹ quan đường phố. Bên cạnh đó, nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh; bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm; có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh; tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm… Thế nhưng, trên thực tế phần lớn các cơ sở thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh hiện vẫn là những quán nhỏ lẻ, thường di biến động, tạm bợ, kinh doanh vào tối hoặc sáng sớm vì hầu hết họ đều ít vốn hoặc không có vốn để đầu tư. Chị Thanh, một chủ cơ sở bán bánh mì sáng cạnh cổng Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm – phân hiệu Cẩm Phả chia sẻ: "Không có vốn nên tôi mới chọn bán bánh mì sáng. Thực ra, bán hàng này cũng không phải đầu tư nhiều, chỉ cần chiếc bếp than tổ ong, cái chảo, ít dầu ăn, mấy quả trứng, ít rau ngải, lá mơ và nồi patê là được. Lờ lãi không nhiều nên cũng chẳng có vốn mà đầu tư". Trong khi đó, lực lượng kiểm tra của các đơn vị, cơ sở xã, phường lại mỏng.

Cái khó của nhà quản lý và ý thức của người kinh doanh đã vậy, lại thêm "sự tiếp tay" từ chính người tiêu dùng đã tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm ATVSTP. Theo ý kiến của các chuyên gia, để hạn chế tác hại của các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, điều quan trọng nhất là người dân phải "tẩy chay" các cơ sở kinh doanh không đảm bảo ATVSTP. Muốn vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân; công khai các cơ sở vi phạm VSATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, phường cần tăng cường hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở thức ăn đường phố; trong đó, xử lý, xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm. Có như vậy, người kinh doanh loại hình thức ăn đường phố mới có ý thức hơn trong việc đảm bảo VSATTP tại cơ sở của mình.

Cẩm Nang



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét