Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Khó khăn khi “qua cửa” ngân hàng


Theo Nghị định 41/NĐ-CP của Chính phủ, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, mở rộng mô hình, các HTX nông nghiệp có thể vay vốn tối đa lên đến 500 triệu đồng mà không cần phải thế chấp tài sản. Tuy nhiên, đã gần 2 năm kể từ khi NĐ41 ra đời, hiếm có HTX nông nghiệp nào của tỉnh tiếp cận được nguồn vốn vay tín chấp từ các ngân hàng.

Nguyên nhân là do các HTX đều không có tài sản cố định, chưa được các ngành chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể tín chấp với ngân hàng; bên cạnh đó, phương án kinh doanh cũng không được ngân hàng chấp nhận… Trong khi đó, nguồn vốn sẵn có tại những HTX nông nghiệp lại rất ít ỏi, mỗi khi đến mùa vụ, nhu cầu mua cây giống, thuốc trừ sâu, phân bón rất lớn… Bởi vậy, một số trường hợp HTX đã phải đi vay "nóng" với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất của ngân hàng để cho kịp với mùa vụ.

Hiện nay nguồn vốn của các HTX chủ yếu thông qua việc huy động từ xã viên. Trong ảnh: Gốm mỹ nghệ sản xuất tại HTX gốm sứ Đông Thành, Đông Triều.
Hiện nay nguồn vốn của các HTX chủ yếu thông qua việc huy động từ xã viên. Trong ảnh: Gốm mỹ nghệ sản xuất tại HTX gốm sứ Đông Thành, Đông Triều.

Tại HTX dịch vụ nông nghiệp xã Nguyễn Huệ (huyện Đông Triều) vào đầu mỗi mùa vụ đều phải huy động nguồn kinh phí khá lớn từ các hội viên để mua vật tư, cây con giống phục vụ canh tác, sản xuất. Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Dậu, Chủ nhiệm HTX cho biết: HTX không có tài sản cố định đảm bảo đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng nên buộc phải huy động nguồn vốn từ các hội viên. Đến cuối vụ, khi có lợi nhuận chúng tôi sẽ trả lại phần đầu tư ban đầu cho hội viên. Được biết, để giải quyết tình trạng thiếu vốn sản xuất, hầu hết các HTX hiện nay đều dùng đến hình thức huy động vốn từ các hội viên trong HTX. Anh Lê Thế Phước, Chủ nhiệm HTX rau hoa Đồng Chè, thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ chia sẻ: Thực tế là dưới danh nghĩa của HTX chưa bao giờ chúng tôi vay vốn. Khi có nhu cầu cần vay vốn, các xã viên sẽ trực tiếp làm việc với ngân hàng và lấy tài sản của mình ra thế chấp.

Khó khăn về nguồn vốn không chỉ có ở các HTX nông nghiệp hiện nay mà đây chính là tình trạng chung của các HTX trên địa bàn. Thống kê của Liên minh HTX – DNNQD trong 3 năm trở lại đây cho thấy, mặc dù nhu cầu vay vốn của HTX ngày càng tăng thế nhưng tỷ lệ tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng rất hạn chế. Số HTX có thể vay vốn từ chính tài sản chung của HTX vô cùng hiếm hoi. Ngay cả đối với các HTX vốn được tiếng là làm ăn có lãi, cũng không dễ gì vay được vốn ngân hàng việc lấy vốn ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Oang, Giám đốc Ngân hàng NNPTNT cho biết: Tồn tại chung của các HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp hiện nay là Ban chủ nhiệm chưa được đào tạo chuyên môn bài bản về quản lý kinh tế tập thể mà chỉ thông qua các lớp tập huấn ngắn hạn. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính nên chưa hoạch định được phương án sản xuất kinh doanh hợp lý. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra bảo lãnh tín dụng cho các HTX khi vay vốn. Những yếu tố này khiến cho ngân hàng không mấy tin tưởng vào khả năng trả nợ của HTX. Vì vậy, để đảm bảo tính an toàn, nếu HTX đó không có tài sản thế chấp thì ngân hàng không thể nào cho vay được.

Thiết nghĩ, từ thực tế này cho thấy rất cần những giải pháp đồng bộ, hiệu quả từ các ngành chức năng. Đối với Liên minh HTX – DNNQD cần làm tốt hơn vai trò cầu nối tín chấp với các ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho các HTX được tiếp cận nguồn vốn vay hiệu quả; tổ chức các đợt tập huấn, nâng cao hiệu quả quản lý HTX cho các đối tượng quản lý… Bên cạnh đó,  tỉnh cần sớm xem xét việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển cho HTX giúp các HTX có điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động.

Hồng Nhung



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét