Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Nỗ lực tăng chất lượng và quy mô mỗi dự án


Quảng  Ninh có điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý thuận lợi, là đầu mối giao thông quan trọng thúc đẩy giao thương trong khu vực và quốc tế. Do vậy, ngay từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới, tỉnh Quảng Ninh đã xác định rõ những lợi thế so sánh và xu hướng phát triển hội nhập kinh tế quốc tế nên việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội.

Nằm trong định hướng chung của cả nước, phương châm thu hút đầu tư nước ngoài của Quảng Ninh là đa phương hoá, đa dạng các quan hệ hợp tác. Trong thời gian qua, Quảng Ninh đã thu hút được vốn đầu tư từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Trong đó Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư đạt 2,423 tỷ USD cho tổng số 6 dự án, chiếm 59% tổng số vốn FDI toàn tỉnh. Đáng kể nhất là dự án đầu tư xây dựng bến số 2, 3, 4 cảng Container quốc tế – Cái Lân của Tập đoàn Carrix SSA Marine với tổng số vốn đầu tư 155 triệu USD. Đặc biệt năm 2010, Quảng Ninh đã thu hút được dự án Nhiệt điện Mông Dương II của Hoa Kỳ với tổng số vốn 2,14 tỷ USD đã đưa Quảng Ninh vào tốp những địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước. Sau sự kiện Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn nhất tại Quảng Ninh từ trước đến nay, tỉnh đã ghi được dấu ấn quan trọng với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Hết quý I-2012, Quảng Ninh đã thu hút được 4 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư đạt 391 triệu USD, gấp 7,5 lần so với cả năm 2011 và vượt 130% so với kế hoạch năm 2012. Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh có 93 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt trên 4,1 tỷ USD.

Tàu chở container vào làm hàng tại cảng Cái Lân. Ảnh: Thái Cảnh
Tàu chở container vào làm hàng tại cảng Cái Lân. Ảnh: Thái Cảnh

Tuy nhiên, tình hình thu hút vốn FDI của tỉnh không đồng đều qua các thời kỳ và chất lượng một số dự án đầu tư không cao. Đặc biệt, theo phân tích cơ cấu đối tác đầu tư cho thấy phần lớn các dự án FDI vào Quảng Ninh chủ yếu là từ khu vực Châu Á. Mặc dù chiếm tới 57% số dự án FDI trên toàn tỉnh nhưng tổng số vốn đầu tư từ các nhà đầu tư Hồng Kông và Trung Quốc chỉ chiếm 18% tổng vốn FDI đăng ký, cho thấy một đặc điểm nổi bật của các dự án này là quy mô nhỏ. Trong khi một số quốc gia có tiềm lực về tài chính, công nghệ như Đức, Anh, Nhật Bản… lại có tỷ trọng đầu tư rất khiêm tốn. Chính điều này đã có ảnh hưởng tới chất lượng vốn đầu tư tại Quảng Ninh.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, không chỉ cần đến sự tham gia sâu rộng hơn khối doanh nghiệp FDI mà còn cần sự cải thiện về chất lượng hoạt động FDI trong nền kinh tế. Theo đó, Quảng Ninh đã quán triệt định hướng mới trong thu hút đầu tư FDI của tỉnh là: Thu hút FDI của tỉnh phải phục vụ mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, từ dựa vào chủ yếu tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, sử dụng lao động thủ công sang dựa vào hiệu quả, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Thu hút đầu tư nước ngoài phải tăng chất lượng và quy mô của mỗi dự án đầu tư. Phấn đấu hàm lượng công nghệ trong mỗi dự án chiếm 40-45%, chuyển từ phát triển công nghiệp nặng là chủ yếu dần sang phát triển công nghiệp hỗ trợ kỹ thuật cao, giảm thiểu tác động môi trường, giảm xuất thô, khai thác tối đa tiềm năng du lịch của Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long.

Lê Hải



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét