Ngày 16-10, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ năm 2012.
Quang cảnh Hội nghị.
Tham dự hội nghị về phía bộ Công Thương có đồng chí Nguyễn Nam Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương. Về phía tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Hội nghị có sự tham gia của 14 giám đốc Sở Công Thương đến từ các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ; đại diện các vụ thuộc Bộ Công Thương; một số hiệp hội, doanh nghiệp toàn vùng.
Theo báo cáo tình hình hoạt động 9 tháng năm 2012, đa số các tỉnh, thành phố trong vùng đều có tốc độ tăng trưởng trong khoảng từ 5-15% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn vùng đạt 24,34 tỷ USD, tăng hơn 44% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu toàn vùng đạt 34,4 tỷ đồng, tăng 22%. Mặc dù vậy, mức tăng trưởng này được đánh giá là thấp. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến hầu hết doanh nghiệp. Cụ thể, từ đầu năm tới nay, có tới trên 70% doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn; 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn sản xuất cầm chừng; số doanh nghiệp phá sản trên 1.600 doanh nghiệp, ngừng hoạt động 715 doanh nghiệp…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao hiệu quả từ việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong Hội nghị giao ban các giám đốc sở Công Thương và hi vọng hội nghị tiếp tục là cơ hội để các địa phương tăng cường sự hiểu biết, đảm bảo sự kết nối trong vùng, tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp phát triển.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh và các ngành cũng đã chủ động tiếp xúc với doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn và có hướng giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần thêm rất nhiều sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách từ phía các bộ, ngành Trung ương.
Liên quan đến chủ đề hội nghị là "Thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp", các đại biểu đã nêu ý kiến tập trung vào nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động như: hỗ trợ tối đa về cơ chế chính sách; tìm nguồn vốn từ phía các ngân hàng; đơn giản hóa các thủ tục hành chính… Một số đề xuất của các địa phương tại hội nghị như: Bộ Công Thương tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ cùng với địa phương trong việc đề nghị với các bộ, ngành hỗ trợ các cơ chế chính sách phù hợp cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, Bộ cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện đầu tư, phát triển mạnh mẽ; nên xem xét tạo điều kiện cho việc thành lập các cụm doanh nghiệp.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải đề nghị trong thời gian tới, sở Công Thương các địa phương cần tăng cường công tác tham mưu cho UBND và phối hợp các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Cục Công nghiệp địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Đối với các ý kiến, đề xuất tại Hội nghị, Bộ sẽ tổng hợp để đưa ra các giải pháp chỉ đạo cụ thể cùng các địa phương tháo gỡ cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Hồng Nhung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét