Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Hạ Long mất điểm


Thay vì đầu tư tôn tạo, nâng cấp chất lượng dịch vụ thì tỉnh Quảng Ninh lại quyết định tăng gần 100% giá tàu đưa khách tham quan và lưu trú qua đêm trên vịnh Hạ Long từ quý IV/2012.

Quyết định tăng giá các dịch vụ của UBND tỉnh Quảng Ninh như để khẳng định giá trị của kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, quyết định này đang khiến doanh nghiệp (DN) du lịch bất ngờ và phản ứng.


Tăng giá đột ngột



Tăng giá, vịnh Hạ Long "mất điểm" – đó là nhận xét của hầu hết các công ty du lịch, hãng lữ hành. Các DN lo ngại mức giá phổ biến mới sẽ gây khó khăn rất lớn đối với những hãng tàu quy mô vừa và nhỏ, kinh doanh đứng đắn. Chưa kể, giá dịch vụ tại Hạ Long liên tục tăng cao dễ tác động xấu tới uy tín và sức cạnh tranh.

Cách đây 1 năm, khi vịnh Hạ Long vừa được vinh danh kỳ quan thiên nhiên thế giới thì UBND tỉnh Quảng Ninh đã đột ngột tăng phí tham quan. Giờ đây, mức giá vận chuyển khách tham quan và lưu trú qua đêm trên vịnh Hạ Long đã được "đẩy" lên gấp đôi so với giá cũ. Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Du lịch Bài Thơ, trong khi du lịch đang sụt giảm vì kinh tế khủng hoảng, các nước trong khu vực đang phải hạ giá để thu hút khách quốc tế thì Quảng Ninh đã làm ngược lại.

Việc áp dụng mức giá mới sẽ khiến khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, chuyển hướng sang các nước khác ở Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan hoặc lựa chọn những nơi khác ở Việt Nam có du lịch biển. "Việc tăng giá vận chuyển khách tham quan và lưu trú qua đêm vào thời điểm này là bất hợp lý, lượng khách đến Hạ Long đang giảm đáng kể, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các DN vận tải, lữ hành.

DN chúng tôi đã có thư ngỏ gửi tới các đơn vị đề nghị cùng lên tiếng phản ánh với Tổng cục Du lịch để cơ quan này can thiệp nhằm điều chỉnh giá cước hợp lý" – ông Đức cho biết.Bà Ung Phương Dung, Giám đốc Công ty Indochina Serives Vietnam, than thở: "DN lữ hành chúng tôi không biết làm sao gánh thêm phần giá cước tăng đột ngột này vì tour đã bán trọn gói đến hết năm 2013. Tỉnh Quảng Ninh đột ngột đưa ra quyết định tăng giá thì chúng tôi chỉ có nước bù lỗ".

Tương tự, ông Trịnh Việt Dũng, Giám đốc Asiana Travel, bức xúc: Đối tác của công ty là hãng tàu ở Hạ Long vừa báo tăng thêm 50.000-150.000 đồng/giờ (lên thành 350.000-500.000 đồng/giờ) nhưng không giải thích rõ lý do. Song, lữ hành không thể tăng giá tour giữa chừng do đã báo xong giá của cả năm 2012 và 2013 cho đối tác nước ngoài. Nếu tăng giá hợp lý, lữ hành vẫn chấp nhận song phải báo trước ít nhất 1 năm.


Giá tăng, chất lượng dịch vụ kém

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hanoi Redtours, cho hay: "Tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần thừa nhận những yếu kém trong dịch vụ du lịch tại vịnh Hạ Long. Họ cũng hứa hẹn nhiều về việc đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Tuy nhiên, không thể dùng cách tăng giá dịch vụ lên cao chót vót, bắt khách hàng hiện tại phải trả tiền bất hợp lý cho việc thụ hưởng dịch vụ kém để lấy vốn đầu tư phục vụ khách hàng tương lai.

Vấn đề của vịnh Hạ Long là phải đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cấp chất lượng dịch vụ để xứng đáng với danh hiệu được trao tặng, sau đó mới đến giai đoạn tăng giá dịch vụ tương xứng với chất lượng. Nếu không, việc tăng giá khi chất lượng dịch vụ còn kém cỏi sẽ phản tác dụng, dẫn đến "mất điểm" trong mắt du khách.

Minh chứng cho điều này, ông Vũ Đức Bình, Giám đốc DNTN Du lịch Cường Thịnh, cho biết tình trạng ăn xin, "chặt chém", chèo kéo khách vẫn chưa được dẹp bỏ hoàn toàn. Vì ngăn cản tình trạng chèo kéo khách mà đội tàu của ông thường xuyên bị những người bán hàng trên vịnh tấn công bằng chai lọ, thậm chí bị hành hung gây thương tích.

Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ngay trước cửa hang Sửng Sốt (vịnh Hạ Long) vào ngày 3-10 vừa qua cũng là minh chứng. Khi đó, bến neo đậu tàu vào khu vực hang Sửng Sốt quá đông các phương tiện thủy, không được phân luồng. Bên cạnh đó, các thành viên trên tàu trung chuyển đều không mặc áo phao, dù đây là quy định bắt buộc về an toàn du lịch tàu thủy.

Trước đó, sự quá tải và lộn xộn của các bến neo đậu tại mỗi tuyến điểm tham quan trên vịnh Hạ Long đã được các chủ tàu nhiều lần kiến nghị sau vụ chìm tàu Trường Hải làm 12 người chết vào ngày 17-2-2011, tại khu vực đảo Titov. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến an toàn du lịch như khu vực neo đậu, phân luồng giao thông đường thủy, lực lượng cứu hộ, áo phao an toàn… vẫn chưa được đầu tư, nâng cấp đúng mức.


Giá cao chót vót

Theo quy định mới của tỉnh Quảng Ninh, bắt đầu từ tháng 9 và quý IV/2012, giá dịch vụ vận chuyển khách tham quan áp dụng cho loại tàu từ 20 đến 35 ghế là từ 300.000 – 400.000 đồng/giờ/tàu; loại 36 đến 48 ghế có giá từ 400.000 – 500.000 đồng/giờ/tàu; tàu hạng 3 có giá từ 500.000 – 600.000 đồng/giờ/tàu và tàu hạng 2 từ 600.000 – 700.000 đồng/giờ/tàu. Giá này có thể tăng 30% vào dịp lễ hội, mùa du lịch, ngày thứ bảy và chủ nhật.

Về giá vé khứ hồi cho khách lẻ đi tuyến Cảng tàu – Công viên Vạn Cảnh là 100.000 đồng/khách; tuyến Cảng tàu – Công viên các hang động là 150.000 đồng/khách; 3 tuyến gồm Cảng tàu – Trung tâm Bảo tồn văn hóa biển, Cảng tàu – Bến Gia Luận và Cảng tàu – Trung tâm Giải trí biển, có giá ngang nhau là 300.000 đồng/khách. Giá dịch vụ lưu trú qua đêm cho tàu loại 4 là từ 700.000 đồng đến dưới 1,5 triệu đồng/24 giờ/khách; loại 3 từ 1,5 triệu đến dưới 2,5 triệu đồng/24 giờ/khách; tàu loại 2 từ 2,5 triệu đồng đến dưới 4 triệu đồng/24 giờ/khách; tàu loại 1 là 4 triệu đồng/24 giờ/khách.

(Theo Người lao động)

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét