Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Cộng tác viên dân số nhiệt huyết


Đến bản Nà Mo, xã Vô Ngại (Bình Liêu) hỏi thăm bà Lạc Thị Sằn thì từ người lớn tuổi đến trẻ nhỏ đều dành cho bà những tình cảm kính trọng và thân mật nhất. Bởi một lẽ sau 16 năm làm cộng tác viên (CTV) dân số, bàn chân bà Sằn đã in dấu từng ngõ nhà, lối xóm nên trở thành người bạn thân thiết của người dân bản Nà Mo.

Bà Lạc Thị Sằn đang tiến hành tuyên truyền về chương trình KHH gia đình cho người dân ở bản Nà Mo
Bà Lạc Thị Sằn đang tiến hành tuyên truyền về kế hoạch hoá gia đình cho người dân ở bản Nà Mo

Sinh năm 1953, trong một gia đình thuần nông, đông anh em, bà Lạc Thị Sằn đã sớm thấu hiểu được nỗi cơ cực của một gia đình đông con và nhận ra rằng chỉ đẻ ít mới có điều kiện chăm sóc nuôi dạy con tốt hơn. Từ ý nghĩ đó, nên ngay từ năm 1996 bà Sằn đã trở thành CTV dân số – kế hoạch hóa (KHH) gia đình của huyện Bình Liêu trực tiếp phụ trách bản Nà Mo, xã Vô Ngại.

Những ngày đầu vào nghề, bà gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Bởi thôn nghèo Nà Mo có đến 99% là người dân tộc Sán Chỉ nên nhận thức còn thấp, tồn tại nhiều hủ tục, tâm lý mang nặng tư tưởng lạc hậu "đẻ nhiều con để có người đi nương rẫy", "càng nhiều con càng nhiều của", " trời sinh voi ắt sinh cỏ" và phải "có con trai để nối dõi tông đường"… Vì vậy, khi nghe bà vận động đẻ ít con để có điều kiện phát triển kinh tế, chăm sóc nuôi dạy con tốt hơn, dân bản không nghe, thậm chí đã không ít lần bà bị tạt nước vào mặt, bị đuổi ra khỏi nhà.

Không được dân tin tưởng, ủng hộ, đôi lúc bà nản trí, nhưng hằng ngày nhìn cảnh những đứa trẻ thiếu ăn, gầy còm, nhếch nhác, học hành dở dang, run rẩy giữa mùa đông giá rét lầm lũi đi chăn trâu, bò cắt cỏ, đi nương đi rẫy trên mình chỉ một manh áo mỏng, đã tiếp thêm nghị lực để bà quyết tâm tiếp tục công việc "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", đến từng nhà, gặp từng người kiên nhẫn vận động, thuyết phục.

Bà Lạc Thị Sằn tâm sự: "Mới đầu dân bản không tin tưởng nên tôi nản lắm, nhiều lúc nghĩ làm công việc này chẳng được mấy đồng lại vất vả, áp lực, nhưng thấy dân bản mình còn khổ, còn đói, nhà nào cũng 5, 6 đứa con cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, học hành dang dở. Nếu không thay đổi được nếp nghĩ lạc hậu của người dân nơi đây khi lớn lên chúng lại giống bố mẹ làm quần quật vẫn đói quanh năm. Sau đó được chồng động viên nên tôi lại tiếp tục công việc và xác định rõ có vất vả mấy cũng đặt quyết tâm phải thành công".

Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", vận động một lần không được thì vận động nhiều lần, hằng ngày bà Sằn đến từng gia đình để nói chuyện tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, phân tích để dân bản thấy được cái lợi của việc sinh đẻ có kế hoạch. Sau 4 năm kiên trì không mệt mỏi, những cố gắng của bà cũng đã được đền đáp, đến năm 2000 đã vận động được 13 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai.

Nếp nghĩ của người dân đã thay đổi, và họ nhận thấy được cái lợi của việc đẻ ít con. Chị Trần Thị Thìn, bản Nà Mo, xã Vô Ngại cho biết: "Trước đây gia đình tôi nghèo lắm, làm quần quật suốt ngày mà vẫn không đủ ăn. Tôi có hai đứa con trai, hai vợ chồng định cố đẻ thêm một đứa con gái để giúp đi nương rẫy. Được bà Sằn đến vận động nghe cũng có lý là người đẻ thêm được, chứ đất thì không đẻ thêm được, sinh nhiều con không có đất làm ăn và tiền chúng ăn học khổ lắm. Nên hai vợ chồng không đẻ nữa, tập trung làm ăn phát triển kinh tế nên giờ nhà tôi kinh tế cũng đã tạm ổn hơn trước".

Nhờ sự nhiệt huyết của chị Sằn, từ năm 2000 đến nay, thôn Nà Mo không có người sinh con thứ ba. Đời sống của bà con cũng đã thay đổi, trẻ em được đến trường học hành, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Bà Chu Bích Thu, Phó Trung tâm Dân số – KHHGĐ huyện Bình Liêu cho biết: "Chị Lạc Thị Sằn là một trong những CTV dân số nhiệt huyết của huyện Bình Liêu. Từ khi bà làm CTV dân số thì bản Nà Mo không có trường hợp sinh con thứ ba, đây là một điều mà ít người CTV nào có thể làm được".

16 năm gắn bó với công tác dân số, những đóng góp của bà Lạc Thị Sằn đã được ghi nhận khi được huyện, xã tặng giấy khen, được Bộ trưởng Bộ y tế tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp dân số. Những biến chuyển trong công tác dân số ở Nà Mo đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi diện mạo của bản vùng cao này. Để có được những niềm vui đó là cả một sự cố gắng không nhỏ của bà Lạc Thị Sằn trong 16 năm vác tù và dân số.

La Lành ( Đài Bình Liêu)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét