Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Hiệu quả từ các mô hình phát triển chăn nuôi


Nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, những năm qua hàng trăm mô hình, dự án phát triển nông – lâm – ngư nghiệp đã được ngành chức năng và các địa phương triển khai thực hiện. Trong số đó, có những mô hình được đánh giá đạt hiệu quả cao, hấp dẫn bà con nông dân mở rộng sản xuất song cũng có nhiều mô hình không thể triển khai nhân rộng. Theo đánh giá của ngành chức năng, việc thực hiện các mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Mô hình nuôi lợn rừng sinh sản của anh Hoàng Văn Điện ở thôn 4, xã Quảng Chính (Hải Hà). Ảnh: Bá Khang
Mô hình nuôi lợn rừng sinh sản của anh Hoàng Văn Điện ở thôn 4, xã Quảng Chính (Hải Hà). Ảnh: Bá Khang

Thực hiện chủ trương phát triển mạnh ngành chăn nuôi để trở thành ngành sản xuất chính trong sản xuất nông nghiệp, Sở NNPTNT đã chỉ đạo các địa phương, các đơn vị trong ngành tập trung đổi mới cơ cấu và nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm, tập trung phát triển đàn gia súc có giá trị kinh tế cao (bò lấy thịt, sữa, lợn hướng nạc) và gia cầm quy mô trang trại, nuôi theo phương pháp công nghiệp đi đôi với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh, thử nghiệm các mô hình, dự án phát triển một số loài động vật có nguồn gốc hoang dã mang tính đặc thù, hiệu quả kinh tế cao trong danh mục được phát triển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm áp lực khai thác động vật hoang dã. Hiện nay, toàn tỉnh có 18 cơ sở nuôi gia cầm tập trung, quy mô từ 1-2 vạn con; 2 trại chăn nuôi lợn công nghiệp, 30 trang trại chăn nuôi lợn thịt, quy mô từ 30-200 con; 53 trang trại chăn nuôi bò; 13 trang trại nuôi gia cầm, quy mô 2.000-8.000 con/trang trại. Từ 2011 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 36 mô hình, dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm và chăn nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã. Nhiều mô hình được tổng kết, đánh giá và triển khai nhân rộng đạt kết quả, điển hình như: chăn nuôi lợn hướng nạc theo quy mô trang trại tập trung với quy trình khép kín, an toàn dịch bệnh tại Quảng Yên, Đông Triều, Cẩm Phả… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm, đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ nhu cầu nhân dân trong tỉnh; chăn nuôi gà thả vườn quy mô trang trại, gia trại, chăn nuôi gà an toàn sinh học với một số giống gà quý, giá trị cao như gà lai chọi, gà Ai cập, gà J – Dabaco… được triển khai thực hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh, mỗi mô hình cho thu nhập từ 80-100 triệu đồng (quy mô 1.000 con), lãi suất 30-40%/vụ nuôi/3 tháng nuôi. Dự án phát triển đàn lợn nái Móng Cái với tỷ lệ nái tham gia sinh sản đạt trên 90% đang được triển khai nhân rộng tại huyện Vân Đồn, Đầm Hà góp phần bảo tồn quỹ gen quý lợn Móng Cái…

Mô hình nuôi gà đẻ theo hình thức công nghiệp của gia đình ông Nguyễn Duy Diễn, thôn Đồng Mát, phường Tân An (Quảng Yên) cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi gà đẻ theo hình thức công nghiệp của gia đình ông Nguyễn Duy Diễn, thôn Đồng Mát, phường Tân An (Quảng Yên) cho hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với các mô hình trên, hiện Sở NNPTNT đã và đang phối hợp, chỉ đạo các địa phương, đơn vị trong ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai xây dựng một số dự án, mô hình điểm, điển hình như: Xây dựng lò giết mổ, gia súc gia cầm tập trung tại Hà Khánh, Hà Phong (Hạ Long), Cẩm Thạch (Cẩm Phả); xây dựng khu sản xuất chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao tại xã Cộng Hoà (Cẩm Phả), phường Hà An (Quảng Yên); mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng VietGap tại Công ty Thiên Thuận Tường, Công ty Minh Châu; Dự án phát triển giống gà Tiên Yên, lợn Móng Cái tại Tiên Yên và Móng Cái.

Theo đánh giá của ngành chức năng, phần lớn các mô hình sản xuất trong chăn nuôi bước đầu đã mang lại hiệu quả khá cao cho bà con nông dân. Nhiều mô hình được triển khai nhân rộng và đã trở thành phong trào sản xuất tại nhiều địa phương như: chăn nuôi lợn hướng nạc tập trung; nuôi lợn rừng, nuôi nhím, gà thả vườn, đồi… Tuy nhiên, một số mô hình, dự án chăn nuôi được xây dựng và thực hiện nhưng khả năng nhân rộng hạn chế, trong đó có Dự án giết mổ gia cầm tập trung, nuôi dúi sinh sản,… nguyên nhân do vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, tập quán tiêu dùng của người dân khó thay đổi, áp lực về dịch bệnh gia tăng, nguồn lực đầu tư của nhân dân thấp trong khi cơ chế hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế. Các mô hình, dự án này còn mang tính dàn trải, thiếu tập trung và chưa đủ mạnh để kích thích phát triển sản xuất hàng hoá với quy mô lớn, tập trung, công nghiệp.

Hữu Việt



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét