Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Có một “chiến trường Đông Bắc” trong thơ


Trong bài thơ "Màu tím hoa sim" của nhà thơ Hữu Loan có câu: "Ba người anh/ Từ chiến trường Đông Bắc/ Biết tin em gái mất/ Trước tin em lấy chồng…". Dù chỉ được nhắc đến thoáng qua vậy thôi, nhưng hình ảnh chiến trường Đông Bắc Tổ quốc vẫn được hiện lên với đầy đủ tính chất ác liệt của chiến tranh.

Sau này, một trong ba người anh trai được nhắc đến trong bài thơ là ông Lê Đỗ Nguyên (tức Trung tướng Phạm Hồng Cư), cũng đã xác nhận về sự khó khăn, ác liệt ấy trong một bài trả lời phỏng vấn: "Khi cô em gái yêu Lê Đỗ Thị Ninh mất đi, 3 anh em trai chúng tôi đều đi bộ đội hoặc thoát ly đi hoạt động cách mạng. Thời chiến phương tiện liên lạc khó khăn. Thư nhà gửi thường xuyên bị thất lạc. Thành ra lá thư cha mẹ báo tin em tôi lấy chồng đến sau, còn cái tin em tôi qua đời, chúng tôi lại nhận được trước"…

Một bài thơ khác cũng nhắc đến sự trường kỳ, gian khổ của chiến trường Đông Bắc những năm kháng chiến chống Pháp, ấy là bài "Núi Đôi" của Vũ Cao: "Anh vào bộ đội lên Đông Bắc/ Chiến đấu quên mình năm lại năm/ Mỗi bận dân công về lại hỏi/ Ai người Xuân Dục, Núi Đôi chăng?".

Trong cuộc chiến đấu ác liệt, người lính càng thấm thía hơn sự mất mát hy sinh và nghĩa tình đồng đội, nhất là khi một người đã ngã xuống. Trong bài "Viếng bạn", Hoàng Lộc đã thể hiện điều này: "Khóc anh không nước mắt/ Mà lòng đau như thắt/ Gọi anh chửa thành lời/ Mà hàm răng dính chặt/ Ở đây không gỗ ván/ Vùi anh trong tấm chăn/ Của đồng bào Cửa Ngăn/ Tặng tôi ngày sơ tán". Ai ở Uông Bí cũng biết ở đây có thôn Cửa Ngăn, thuộc phường Phương Đông. Nhưng đó có phải là Cửa Ngăn mà nhà thơ Hoàng Lộc nhắc đến trong bài thơ? Và nếu vậy thì liệu nhà thơ Hoàng Lộc đã từng đến Cửa Ngăn (Uông Bí) hay tình cờ gặp người dân ở đây đi sơ tán và được tặng tấm chăn ấm tình quân dân này? – Thú thực là tôi không dám chắc; chỉ có điều đối chiếu với các tác phẩm của Hoàng Lộc, thấy ông có cả một tập thơ mang tên "Viếng bạn" và một tập ký về những trận đánh trên đường số 4. Như vậy, cho dù thế nào thì đây vẫn là bài thơ viết về "chiến trường Đông Bắc"…

Tính chất ác liệt của chiến trường Đông Bắc còn ám ảnh trong những tàn dư sau này, khi chiến tranh đã qua đi: "Có ngờ đâu?/ Một quả mìn giặc Pháp/ Cài giữa bùn sâu!/ Có ngờ đâu/ Không kịp gọi nhau/ Anh áp ngực lên/ Mìn nổ/ Lò không đổ/ Chiều nay, chôn anh trên Lán Tháp/ Mặt trời mùa đông rưng rưng/ Chúng tôi cúi đầu nuốt nước mắt/ Cắm lên mộ anh một nhánh hoa rừng" (Cái chết mở đường than – Thái Giang).

Không chỉ hiện lên với gam màu của sự mất mát hy sinh, hình ảnh chiến trường Đông Bắc còn hiện lên hết sức thơ mộng trong thơ ca chống Pháp. Tiêu biểu nhất là tập thơ "Đèo trúc" của Vũ Cao (NXB Quân đội nhân dân, 1973). Trong đó, phải kể đến các bài thơ "Hoa", "Ngang dốc núi", "Hành quân đêm", "Xuất kích", "Đèo trúc". Bài thơ "Ngang dốc núi" được cho là làm tại chiến trường Đông Bắc bởi không gian thơ nhẹ nhàng đầy ý vị: "Lên ngang dốc núi/ Chợt thấy mình say/ Người ơi hoa tím/ Đầy rừng hoa bay". Bài thơ cũng nằm trong mạch cảm xúc chung của những bài thơ mà Vũ Cao viết khi ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Đông Bắc. Trong tập thơ này, "Đèo trúc" (sáng tác năm 1951, ngay sau chiến dịch Đông Triều) cho thấy một giọng thơ hồn nhiên, dung dị nhưng tầm triết luận đã cao hơn những bài thơ trước kia của Vũ Cao. Vẻ đẹp của núi rừng Yên Tử hiện ra ngay từ những câu thơ mở đầu: "Quân ta đi đã ngót bốn đêm ngày/ Mới tới được ngọn đèo kia. Đẹp lắm/ Dãy Yên Tử trùng trùng bao năm vẫn vắng/ Vết chân người nay rợp bóng quân ta!". Hình ảnh người lính xuất hiện trong bài thơ không còn theo kiểu hành quân hối hả mà là dáng vẻ ung dung của người sắp được làm chủ đất trời: "Mây dưới chân ta, ta vượt mây rồi/ Núi đã xuống với đồi nương làm bạn/ Không thấy nữa những vòm tre xóm bản/ Chỉ còn ta và gió với mây bay/ Quân ta đi đã ngót bốn đêm ngày". Trước kia, các nhà Thơ mới (1932-1945) thường trốn chạy vào thiên nhiên, còn ở đây, chủ thể trữ tình đang đứng trước thiên nhiên tươi đẹp trong tâm thế chinh phục: "Từng cành trúc đón bàn tay bộ đội/ Ta tới đỉnh đèo, trúc sẽ thua ta/ Bộ đội ta đâu có sợ đèo cao/ Trúc ở lại, sắp tới giờ xuất kích… Đi ta đi. Tới rồi kia: bốt địch/ Mây đỡ chân ta/ Gió giục gắng sang đèo/ Có cả màu xanh và hương trúc sang theo".

Đánh giá chung về những bài thơ này, Nhà nghiên cứu Văn học Hồ Thế Hà (Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương), cho rằng: "Cái hay của những bài thơ viết về chiến trường Đông Bắc nằm ở chỗ nó giải quyết một cách hài hoà mối quan hệ giữa chủ thể thẩm mỹ và khách thể thẩm mỹ. Nó ngợi ca cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc bằng những hình tượng nghệ thuật sinh động. Ở đó, nhân vật trữ tình hay chủ thể thẩm mỹ đang gồng mình vượt lên mọi khó khăn, thử thách của cuộc chiến cũng như vươn lên chiếm lĩnh không gian. Nhìn chung, các bài thơ đều thể hiện tính dân tộc khi chạm đến những gì thiêng liêng nhất"…

Phạm học



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét