Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Tác giả thơ Trần Khải: “Tôi làm thơ là để cho mình...”


Tác giả thơ Trần Khải (tên thật là Trần Khải Loan) sinh ra tại làng cổ Điền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách (Hải Dương). Ông là tác giả của tập thơ "Gió ngàn thông"; ngoài ra, còn có thơ in trong nhiều tuyển tập như "Bến tao nhân", "Truyền Đăng", "40 năm thơ Quảng Ninh" v.v.. Trần Khải đã 2 lần nhận được giải B thơ Lê Thánh Tông. Hiện ông đang là Chủ nhiệm CLB thơ Truyền Đăng (Trung tâm Văn hoá – Thông tin tỉnh)… Ông kể:

Tác giả Trần Khải.
Tác giả Trần Khải.

+ Tôi là người yêu văn thơ từ nhỏ. Ngày trước, ông nội tôi và cả cha tôi nữa đều là những thầy đồ hay chữ và biết làm thơ. Có lẽ cũng vì ảnh hưởng từ cha, ông của mình nên tôi "máu me" văn chương lắm, nhưng có thơ đăng báo thì khá muộn… Còn nhớ, bài thơ đầu tiên tôi viết là bài "Thăm bãi cọc Bạch Đằng" sáng tác từ năm 1968, nhưng mãi đến năm 1998 tôi mới công bố, và thật may là bài thơ này đã đạt  giải B thơ Lê Thánh Tông năm đó…

- Vì sao lại có sự chậm trễ đến vậy, thưa ông?

+ Ồ, thực ra cũng chẳng do một lý do đặc biệt nào đâu! Chẳng qua chỉ là vì hồi ấy chiến tranh loạn lạc, công việc thì quá nhiều… Tôi thường xuyên được điều động, hết nơi này đến nơi khác, lúc thì làm công tác văn hoá văn nghệ ở Ty Thông tin tuyên truyền, sau đó là Sở Văn hoá – Thông tin, khi lại làm Chủ nhiệm quốc doanh nhiếp ảnh, chiếu bóng v.v.. Nhiều lúc, đang có tứ thơ hay, định viết thì đi họp đột xuất, thế là cảm xúc trôi qua mất! Với lại, nói thật là dẫu có thích thơ, hay làm thơ, nhưng tôi cũng chỉ làm cho mình, chứ không nghĩ là sẽ trở thành một nhà thơ, càng không dám nghĩ là sẽ trở thành một nhà thơ có tên tuổi… (cười). Tuy nhiên, mặc dù những năm tháng ấy không sáng tác được nhiều nhưng đó cũng là khoảng thời gian quý giá với tôi vì nó cung cấp vốn sống, tích luỹ vốn tri thức về văn hoá văn nghệ hữu ích cho việc làm thơ của tôi bây giờ…

- Thơ ông thường viết nhiều về các danh nhân, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh v.v.. Có vẻ như những năm tháng làm công tác trong ngành văn hoá đã ảnh hưởng rất nhiều đến công việc sáng tác của ông?

+ Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều nhà thơ khác cũng đã viết về đề tài này. Riêng tôi, tôi quan tâm nhiều đến đề tài ấy, nó làm tôi đau đáu hơn, trăn trở nhiều hơn những lĩnh vực khác của cuộc sống. Có lẽ cũng vì ảnh hưởng từ công việc trước kia tôi thường xuyên tiếp xúc với môi trường văn hoá văn nghệ, cũng hay được đi và tìm hiểu về các địa danh, các danh nhân văn hoá… Tôi nghĩ ở đây tôi có điều kiện để thể hiện tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc của mình hơn…

- Và điều đó đã trở thành mạch cảm xúc xuyên suốt trong tập "Gió ngàn thông" của ông?

+ Đúng là như thế. Tập thơ này tôi viết về nhiều nơi, về nhiều danh nhân, nhưng cảm xúc đọng lại trong tôi nhiều nhất là khi viết về danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi. Khi đến Côn Sơn, tôi cảm nhận: "Hàng thông lặng giữa cô đơn/ Ngàn thông vi vút ngỡ hồn Ức Trai" (Chiều Côn Sơn). Còn về địa danh thì tôi thích viết về Yên Tử. Đây là hai câu thơ mà tôi lấy ý để làm tên cho tập thơ của mình, tập "Gió ngàn thông": "Cõi Niết bàn kia ai đã tới/ Trả lời, vi vút gió ngàn thông…" (Yên Tử). Tuy nhiên, viết về danh nhân rất khó, bởi không dễ vượt qua được "những cái bóng" đi trước. Không cẩn thận thì dễ rơi vào cái mà mọi người hay nói đùa là "thơ phong trào"…

- "Thơ phong trào" ư? Chẳng phải ông đang là chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Truyền Đăng, một tổ chức thơ mang tính "phong trào" đấy thôi? Vậy theo ông, cái điểm mạnh của những câu lạc bộ thơ như thế này là gì?  

+ Khi tôi nói "thơ phong trào" ý chỉ những bài thơ có chất lượng nghệ thuật bình bình, không thực sự sắc sảo, điêu luyện… Ai làm thơ thì cũng đều muốn vươn lên trên cái mức đó. Nhưng như thế không có nghĩa là những câu lạc bộ thơ mang tính phong trào thì không hay, không nên phát triển! Như câu lạc bộ thơ Truyền Đăng của chúng tôi hiện nay chẳng hạn; đó là nơi thổ lộ tâm tư tình cảm giữa các thành viên, chia sẻ những khó khăn, giúp nhau gạt bỏ những muộn phiền của đời sống thường nhật. Các thành viên đa số là những người cao tuổi mà anh cũng biết rồi đấy, người cao tuổi sống nặng về tinh thần mà. Câu lạc bộ còn giúp nâng cao nhận thức về thơ; kinh nghiệm về sáng tác, bồi dưỡng lý luận sáng tác. Nó là "mái nhà chung" khuyến khích động viên tinh thần sáng tạo; để hoạt động thơ ca có hiệu quả hơn. Tuy nhiên hoạt động sáng tác ồ ạt, thơ in ra nhiều thì chất lượng sẽ không cao dễ rơi vào tính chất phong trào. Đó cũng là hạn chế cần khắc phục để cho câu lạc bộ mạnh thêm.

- Với cá nhân ông, có khi nào ông sợ thơ mình rơi vào kiểu "thơ phong trào" ấy không?

+ Tôi cũng rất sợ điều đó. Tôi nghĩ thế này, mình làm thơ trước tiên là để giãi bày tâm tư của mình lên trang giấy. Tôi không mong để trở thành nhà thơ, để giành lấy giải thưởng này hay danh hiệu nọ. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi tự cho phép mình dễ dãi với thơ. Khi tìm được tứ, khi cảm xúc chín thì thơ sẽ bật ra thôi. Từ đó tôi gọt giũa câu chữ, sửa đi sửa lại nhiều lần rồi mới công bố. Vì thế, tôi luôn cố gắng tạo cho thơ mình một dấu ấn riêng để không lặp lại người khác… Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng không phải lúc nào cũng làm được. Làm thơ quả là công việc nhọc nhằn, nhưng chẳng hiểu sao xa nó thì thấy trống vắng, thấy như mất mát cái gì đó… Không bỏ được, khổ thế! (cười).

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Hải Dương



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét