Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

“Dấu thời gian”


Ông Đỗ Đăng Hành.
Ông Đỗ Đăng Hành.

Đỗ Đăng Hành là một người lính, không những thế còn là một người lính trinh sát đặc công, từng nhiều lần vào sinh ra tử ở chiến trường miền Nam trong suốt những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất. Đi suốt hai cuộc chiến tranh, chiến tranh chống đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới, ông phục viên, chuyển ngành với giấy chứng nhận thương binh loại 1/4. Hiện nay ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Đường Hạ Long…

Điều cũng khá đặc biệt là Đỗ Đăng Hành yêu thơ và làm thơ từ hồi còn rất trẻ, nhưng hầu như những bài thơ thời mặc áo lính mà ông viết chỉ để trong sổ nhật ký riêng, chưa một lần gửi đăng báo. Cho mãi đến năm 2002, ông mới in tập thơ đầu tay Tình quê; sau đó là các tập Khát mong (2006), Ký ức chiến tranh (2008), và gần đây nhất, tháng 8-2012, là tập Dấu thời gian…

Cũng như những tập thơ trước, trong Dấu thời gian có đến non nửa số bài là được ông rút ra từ những cuốn nhật ký thời còn là lính chiến. Và mặc dù những bài thơ về sau này được ông viết có vẻ "vững tay nghề" hơn, nhưng tôi vẫn thấy thích những bài thơ thời chiến tranh của ông hơn; chúng như những trang nhật ký mà qua đó đã để lộ phần nào những suy nghĩ, cảm nhận rất thật về chiến tranh, sự trải nghiệm về cuộc sống khốc liệt ở chiến trường v.v.. của chính "người trong cuộc". Đọc những bài thơ này, tôi hơi ngỡ ngàng; ngỡ ngàng đầu tiên là bởi với một người đang độ tuổi mười chín, đôi mươi, mới học xong phổ thông thì đi lính, mà lại có cái nhìn sắc sảo về chiến tranh, về cuộc sống như ông lúc ấy quả là lạ; nhưng lạ hơn nữa, vào cái thời đó mà trong thơ ông có những câu, những bài thể hiện cái nhìn rất táo bạo, chưa hẳn đã giống với thơ ca chung thời kỳ đó… Chẳng hạn như những câu thơ này: "Phía bên kia là địch/ phía bên này là ta/ cách nhau vài chục bước/ cả một trời bao la/ Hai phía ta và địch/ cũng da thịt con người/ xoá oán hờn xâm lược/ tay cầm tay bạn ơi". (Khoảng cách). Nếu đặt bài thơ vào thời điểm nó được viết ra, năm 1969, ngay tại chiến trường Quảng Ngãi, thì chắc chắn sẽ không ít người chụp cho "cái mũ" là lập trường tư tưởng ngả nghiêng… Cũng như vậy là những câu: "Được thua đỏ vách chiến hào/ Ngổn ngang sắc phục. Lẽ nào đúng sai/ Khói tan mát lạnh màu mây/ Chiều buông thăm thẳm lắt lay nắng vàng…". (Sau trận đánh). Đọc những câu thơ này, dường như ta thấy chiến tranh hiện ra với một góc nhìn khác, thật hơn!

Nhưng trong sự khốc liệt của chiến tranh cũng có những khoảnh khắc thật thơ mộng: "Võng treo lẫn với cỏ cây/ Tôi nằm vào giữa vòng tay đất trời/ Lắng hồn nghe sắc lá rơi/ Lỗi mùa nhãn hẹn, vắng lời mẹ ru" (Ngủ võng). Hay: "Bóng tre đổ dài/ hình em mảnh mai/ lẫn trong tay lá/ đường mờ hơi may/ Em ngoái nhìn lại/ không nói điều gi/ nước sông cứ chảy/ con đò cứ đi…" (Em gái ra trận).

Và như trên đã nói, những bài thơ chiến tranh của Đỗ Đăng Hành giống như là những "bài thơ nhật ký"; vì thế, nếu người đọc không biết hoàn cảnh ra đời của nó, có khi thấy hơi khó hiểu. Như bài "Tha…" chẳng hạn: "Anh thú tội/ ngàn lần đáng chết/ Quyền uy/ trưởng ty cảnh sát/ Bàn tay vấy máu bao người/ Tha anh/ không phải vì anh/ không phải vì ta/ Trời!/ Đất!/ Sáu đứa con và một mẹ già….!". Ông bảo ấy là câu chuyện "nhớ đời" của ông hồi ở chiến trường Quảng Ngãi năm 1969. Ông và mấy chiến sĩ đặc công được giao nhiệm vụ đi vào hang ổ kẻ địch để tiêu diệt một tên ác ôn là trưởng ty cảnh sát ngụy. Khi vào nhà y, ông và đồng đội thấy tên này còn một mẹ già và 6 đứa con nhỏ… Nhìn họ thật đáng thương, nên các ông đã không nỡ, chỉ bắn cảnh cáo. Sau lần ấy, với tư cách là sĩ quan chỉ huy, ông bị cấp trên xử lý kỷ luật, bị cách chức! Và bài thơ có thể còn hơi vụng về về mặt nghệ thuật, nhưng sau câu chuyện của ông, tôi lại thấy lấp lánh tình người, nó thể hiện rất rõ tính nhân đạo của người chiến sĩ Quân giải phóng (Mặc dù, tất nhiên, với một người lính thì rõ ràng đây là hành vi trái quân lệnh, đáng bị xử lý kỷ luật…).

Nói cách khác, đọc thơ viết về chiến tranh của Đỗ Đăng Hành, có thể ở chỗ này, chỗ khác, ta chưa thực sự hài lòng về mặt nghệ thuật; nhưng bù lại ta lại thấy trong đó ngồn ngộn tư liệu, ngồn ngộn vốn sống thực tế, và hơn hết là những cảm xúc rất thật, rất "con người" mà không phải trong thơ ai khi viết về đề tài này cũng có được…

Hoàng Long



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét