Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Làng đảo Hoàng Tân


Từ TX Quảng Yên đi về phía đông qua xã Tiền An và Tân An, ta sẽ tới một vùng non xanh nước biếc. Đấy là đảo Hoàng Tân (trước đây dân gian thường gọi là Hoàng Lỗ). Vùng đảo này được hình thành bởi những dãy núi đá vôi như một đoạn đuôi rồng của Vịnh Hạ Long quẫy về phía sông Chanh, sông Bạch Đằng. Xen giữa các hòn núi là những thung lũng và các bãi triều với các mảng rừng ngập mặn. Cả một không gian thoáng đãng của rừng cây, đảo biếc cùng sông biển mở ra trước mặt ta.

Từ xưa cư dân Hoàng Tân đã sinh sống bằng các nghề biển đánh bắt, khai thác thuỷ sản, trồng trọt, chăn nuôi. Ở đây trước kia có rất nhiều ngán, sò huyết và có nhiều vườn nhãn lâu đời ngon nổi tiếng trong vùng; có khoai lim dây tím, vỏ tím, ruột trắng và bở. Khoai lim Hoàng Tân sinh củ trong lòng đất cát vàng, để lâu tiết nhiều mật, luộc ăn thơm ngọt như được trộn với mật ong. Trên đảo Hoàng Tân có Hang Trống, chỉ có cửa hang mà không có trần hang, rộng tới vài chục ha, được bao quanh bởi những dãy núi đá; có di tích Đầu Rằm, là nơi người Việt cổ sinh sống; có non nước Bình Hương sơn thuỷ hữu tình. Bình Hương có hòn núi Bình Hương, hòn Ông Sư Bà Vãi, giống hình ông sư và bà vãi đang theo nhau lội trên mặt nước long lanh. Truyền thuyết vùng này kể rằng:

Một góc làng đảo Hoàng Tân.
Một góc làng đảo Hoàng Tân.

Thuở xưa có một ông sư và một bà vãi cùng tu trong một ngôi chùa. Nhưng vì bọn cướp biển luôn vào cướp bóc, phá nhiễu chốn cửa thiền, nhà chùa định dời sang doi đất bên kia sông để lập chùa mới. Hôm ấy, bà vãi đội thúng đựng kinh sách lên đầu đi trước. Ông sư bê chiếc bình hương theo sau… Khi qua sông, họ  dò dẫm theo các triền nông nước để lội. Đang lội, không ngờ gặp ngay chỗ nước sâu, bà vãi vội vàng tốc váy lên rõ cao, kẻo ướt. Cặp đùi non chợt lộ ra trắng nõn nà trên mặt nước, ngay trước mắt ông sư

 Bao nhiêu ngày tháng trong chùa cùng nhau tụng kinh gõ mõ không sao, giờ đây, ông sư chợt sững lại, ngất lặng hồi lâu. Bỗng ông vấp phải hòn đá ngầm dưới sông, ngã chúi. Chiếc bình hương văng tòm xuống nước. Vừa lúc ấy, Phật bà Quan Âm hiện lên trỏ mặt sư "Nhà ngươi đã đánh mất chính quả!" Hai người chết đứng giữa dòng và ngay sau đó biến thành hòn Ông Sư Bà Vãi. Chiếc bình hương kia mọc lên thành hòn Bình Hương!

Bây giờ, hòn Bình Hương và hòn Ông Sư Bà Vãi vẫn đứng đó lặng lẽ bên nhau trên sông nước. Nhưng nhiều vườn nhãn quý thì đã bị đốn chặt dần và hầu như loại khoai lim vỏ tím lòng trong của đất cát vàng Hoàng Tân cũng không còn nữa! Khu di tích Đầu Rằm được phát hiện và khai quật năm 1988 với hàng trăm hiện vật có giá trị khoa học và lịch sử. Trong đó có hiện vật còn nguyên vẹn cực kỳ quý hiếm như chiếc bình gốm Hoàng Tân, được xếp hạng bảo vật quốc gia.

Cùng với phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, nuôi trồng thuỷ hải sản, trên làng đảo Hoàng Tân còn có cơ sở sản xuất thủ công nghiệp là Công ty Cổ phần đá Tháng Mười chuyên khai thác đá cung cấp vật liệu xây dựng cho TX Quảng Yên và các vùng lân cận. Nơi đây đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động người Hoàng Tân.

Với diện tích 67,5km², hơn 4.000 dân sinh sống trong 5 khu dân cư, làng đảo Hoàng Tân hiện có điều kiện đất đai, địa hình núi đá – sông biển và cảnh quan tự nhiên "sơn thuỷ hữu tình", lại nằm liền kề với khu du lịch Tuần Châu và Vịnh Hạ Long nên nhu cầu về mở rộng, phát triển không gian du lịch lớn sẽ là một tương lai không xa của TX Quảng Yên…

Cẩm Phượng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét