Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

“Chủ động nắm bắt tình hình và vận động nhân dân tự giác tham gia các nhiệm vụ chính trị”


(Đồng chí Đỗ Vũ Chung, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, trả lời phỏng vấn Báo Quảng Ninh, nhân kỷ niệm 82 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng 15-10 (1930-2012))

Đồng chí Đỗ Vũ Chung, Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ (thứ tư, trái sang) trò chuyện với cán bộ làm công tác vận động quần chúng về dự hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết T.Ư 4 (khoá XI).
Đồng chí Đỗ Vũ Chung, Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ (thứ tư, trái sang) trò chuyện với cán bộ làm công tác vận động quần chúng về dự hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết T.Ư 4 (khoá XI).

- Thưa đồng chí, đến nay đã trải qua gần nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh. Triển khai nghị quyết của ĐH, ban dân vận các cấp uỷ trong tỉnh đã tập trung thực hiện những trọng tâm công tác gì?

+ Thuận lợi cơ bản nhất cho công tác dân vận là T.Ư đã ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị từ tháng 2-2010. Tỉnh uỷ cũng đã ban hành quy chế này của tỉnh và quy định mới về chức năng, nhiệm vụ Ban Dân vận Tỉnh uỷ, theo đó nhiều quy định cho Ban Dân vận được ban hành.

Trên cơ sở đó, Ban đã chọn chủ đề công tác từng năm phù hợp để triển khai. Quyết tâm, nỗ lực của hệ thống dân vận các cấp đã góp phần làm nên những kết quả đáng ghi nhận. Kết quả đạt được khá nhiều, có thể kể ra một số việc tiêu biểu là: Công tác dân vận đã tham gia và góp phần làm nên thành công của các đợt sinh hoạt chính trị lớn như ĐH Đảng bộ các cấp tiến tới ĐH XI của Đảng, cuộc bầu cử ĐBQH khoá XIII và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Ban Dân vận, MTTQ, các đoàn thể các cấp đã chủ động nắm bắt tình hình và vận động nhân dân tự giác tham gia các nhiệm vụ chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ KT-XH, đảm bảo QP-AN của tỉnh. Sau ĐH đảng bộ các cấp, hệ thống dân vận trong tỉnh được kiện toàn về tổ chức, cán bộ, Ban đã tham mưu cho BTV Tỉnh uỷ tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ dân vận các cấp từ tỉnh tới cơ sở, đồng thời quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Đặc biệt, ban dân vận các cấp rất chú trọng tham mưu cho cấp uỷ "nâng cấp" phong trào xây dựng điển hình "Dân vận khéo" trở thành phong trào thi đua yêu nước rộng khắp trong tỉnh. Ban cũng thường xuyên chỉ đạo, tuyên dương nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào này. Vừa qua, Ban đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tổ chức hội thi dân vận khéo. Từ đầu năm 2012 đến nay, các cấp uỷ từ cơ sở đến tỉnh đã tổ chức tốt hội thi. Hội thi cấp tỉnh diễn ra đúng dịp kỷ niệm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng. Ban cũng thường xuyên tham mưu tổng kết các nghị quyết về công tác dân vận và triển khai nhiều kết luận quan trọng của T.Ư; chỉ đạo đại hội các đoàn thể; chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; tập hợp đoàn viên, hội viên tích cực xây dựng nông thôn mới, xã hội học tập, đô thị văn minh… Để tăng cường công tác dân vận của chính quyền, Ban đã phối hợp với Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết khiếu tố, cải cách hành chính và đề cao tinh thần CBCC tận tuỵ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…

- Được biết, thời gian qua, Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã triển khai xây dựng nhiều đề án. Xin đồng chí nói rõ hơn về công tác này?

+ Đúng vậy! Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, Ban đã tập trung xây dựng nhiều đề án. Đến nay, đã hoàn thành 3 đề án. Đó là: Đề án "Vận động thanh niên, nhân dân ra đảo Trần sinh sống để thành lập đơn vị hành chính trực thuộc huyện Cô Tô". Đề án này đã được BTV Tỉnh uỷ phê duyệt, Ban đang phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đôn đốc thực hiện. Đề án thứ hai là "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc vùng miền núi, biên giới, biển đảo trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng 2030". Tổ xây dựng đề án, nòng cốt là Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã hoàn thành đúng tiến độ, hiện nay đang lập dự thảo nghị quyết của BTV Tỉnh uỷ. Đề án thứ ba là "Vận động nhân dân tích cực tham gia giải phóng mặt bằng dự án BOT quốc lộ 18 đoạn Uông Bí – Hạ Long". Đề án này đã hoàn thành và triển khai đến MTTQ, các đoàn thể tỉnh, TP Uông Bí, TX Quảng Yên và TP Hạ Long phối hợp thực hiện.

Hiện nay, Ban tiếp tục xây dựng 7 đề án khác, trong đó có những đề án lớn như: "Chiến lược phát triển công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030"; xây dựng "Quy chế tạm thời giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội"; "Tiếp cận, nắm chắc chức sắc, cốt cán trong tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh"… Chúng tôi còn được giao theo dõi và phối hợp với các đoàn thể, địa phương xây dựng và thực hiện các đề án khác.

- Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh đòi hỏi cả hệ thống chính trị nỗ lực vào cuộc. Ban dân vận các cấp uỷ sẽ tập trung vào những trọng tâm gì để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, thưa đồng chí?

+ Thực hiện các kết luận Hội nghị T.Ư 3, T.Ư 4 (khoá XI) về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng "xanh", vừa phát huy được cái cũ, vừa phát triển cái mới phù hợp với tiềm năng, xây dựng Quảng Ninh xanh, sạch, đẹp. Điều này đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều việc, trong đó mấu chốt là: Lập quy hoạch chiến lược cấp tỉnh, ngành và địa phương; quyết liệt cải cách hành chính; phát triển hạ tầng động lực; đầu tư KHCN, giáo dục, y tế; điều chỉnh xây dựng nông thôn mới; thanh kiểm tra, giám sát, phản biện; giải quyết tồn đọng bức xúc; nắm chắc tình hình nhân dân; phát hiện mâu thuẫn mới theo 3 khâu đột phá; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc và đồng thuận cao.

Tập trung vào những trọng tâm đó, theo chức năng nhiệm vụ của mình, Ban sẽ tham mưu cho Tỉnh uỷ chỉ đạo hệ thống chính trị đẩy mạnh các hoạt động sau: Một là, phối hợp, tham mưu chỉ đạo tổ chức quán triệt, hướng dẫn; phân công cán bộ, trực tiếp vận động, hướng dẫn nhân dân triển khai, thực hiện. Hai là, tổ chức cho nhân dân tham gia ý kiến xây dựng đề án, quy hoạch, dự án KT-XH; tham gia ý kiến xây dựng cơ chế, chính sách huy động sự đóng góp, tham gia của nhân dân; những việc dân biết, bàn, làm, kiểm tra và được hưởng. Ba là, hướng dẫn nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với các dự án, các nguồn vốn đầu tư; tranh thủ ý kiến, kinh nghiệm của dân đối với các công việc trong quá trình tổ chức thực hiện để tăng hiệu quả, chất lượng, tránh lãng phí trong việc sử dụng các nguồn lực, các nguồn vốn. Bốn là, phối hợp đề xuất với cấp uỷ, chính quyền ban hành cơ chế nhằm ưu tiên, khuyến khích, phát huy vai trò của nhân dân tham gia thi đua yêu nước, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Năm là, phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện quy chế công tác dân vận, kết hợp với phong trào Dân vận khéo, và việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Ngọc Hà (Thực hiện)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét