Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Xây dựng các cơ chế, chính sách phục vụ Đề án


Cụ thể hoá và thể chế hoá các chủ trương, chính sách, quy định về ứng dụng và phát triển CNTT của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh nhằm tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển chính quyền điện tử của tỉnh (CQĐT) của tỉnh. Để thực hiện thành công, Đề án xây dựng CQĐT tỉnh cần một hệ thống các cơ chế, chính sách, gồm: Chuẩn hoá các quy định về tạo nguồn thông tin, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị được thuận lợi và an toàn; quy định quản lý các dự án ứng dụng CNTT, sử dụng, khai thác các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh; xây dựng các chính sách về thu hút, chế độ đãi ngộ, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực CNTT; tạo các cơ chế để thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển công nghiệp và dịch vụ CNTT; hoàn thiện và xây dựng các chính sách ưu đãi trong đầu tư, kêu gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển CNTT, đặc biệt là liên doanh, liên kết phát triển phần cứng, phần mềm; chính sách chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Cùng với đó, cần khuyến khích các chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển CNTT tại Quảng Ninh; khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia triển khai, sử dụng các dịch vụ công, giao dịch điện tử. Để doanh nghiệp, người dân nắm được việc triển khai CQĐT của tỉnh, Đài PTTH tỉnh, Báo Quảng Ninh và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh cần thường xuyên cung cấp các tin tức, các bài nói, các phóng sự nhằm quảng bá, truyền thông sâu rộng.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các cơ chế, chính sách về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, chế độ đãi ngộ phù hợp cho cán bộ, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong thời gian tới, cần xây dựng và triển khai các khoá đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn nhằm nâng cao nhận thức về CQĐT cho lãnh đạo các cấp; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng và ứng dụng về CNTT, đồng thời bổ trợ thêm những kỹ năng tin học cơ bản có thể đáp ứng yêu cầu xử lý công việc trên máy tính, trên mạng cho 100% cán bộ, công chức. Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng và ứng dụng về CNTT cho 100% các chi đoàn thanh niên trên địa bàn tỉnh. Trong chương trình ngoại khoá về CNTT ở các trường THPT, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, sẽ đưa các nội dung đào tạo về CQĐT, với định hướng đào tạo một lớp công dân có kiến thức về CNTT, sẵn sàng sử dụng hệ thống CQĐT trong tương lai. Đây chính là hình thức tuyên truyền rất hữu hiệu về xây dựng CQĐT tỉnh Quảng Ninh.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có chế độ chính sách riêng đối với cán bộ có trình độ chuyên môn về lĩnh vực CNTT, dẫn đến rất khó để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong cơ quan nhà nước. Một số cơ chế chính sách đặc thù quy định sử dụng, vận hành các hệ thống thông tin dùng chung, đặc biệt là việc ứng dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, một cửa điện tử; các chính sách, quy chế bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước theo TCVN ISO/IEC 27001:2009 chưa được triển khai một cách triệt để. Do đó đã gây những ảnh hưởng không tốt đến tiến trình triển khai các ứng dụng CNTT. Vì vậy, xây dựng cơ chế đãi ngộ phù hợp cho cán bộ CNTT cần phù hợp, nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này.

Đề án xây dựng CQĐT tỉnh góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh dựa trên nền tảng hạ tầng CNTT. Với khối lượng công việc lớn, trên diện rộng, nhiều cấp, đảm bảo tiến độ triển khai Đề án trong gần 3 năm (2012-2014) là một thách thức lớn. Mặt khác, các khâu, công đoạn tổ chức, phối hợp, phân công của các đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có sự không thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng, thì tiến độ, triển khai sẽ khó hoàn thành. Về mặt thủ tục, pháp lý, quy trình trong quá trình tổ chức thực hiện đầu tư các dự án sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Do đó, xây dựng các cơ chế, chính sách linh hoạt nhằm thu hút đầu tư, nguồn nhân lực sẽ là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Đề án.

Nguyễn Hoa



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét