Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Nhiều doanh nghiệp bỏ trống công tác y tế lao động


Đối với mỗi đơn vị, doanh nghiệp, việc khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, đảm bảo môi trường làm việc phù hợp với sức khoẻ người lao động cũng như các tiêu chuẩn khác liên quan đến công tác y tế lao động là một yêu cầu bắt buộc. Thế nhưng, thực tế hiện nay không phải doanh nghiệp nào cũng triển khai nghiêm túc yêu cầu này, nhất là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Trắng" ở nhiều đơn vị

Theo quy định, để chăm sóc sức khoẻ cho người lao động, các đơn vị doanh nghiệp đều phải bố trí cán bộ chuyên môn và đầu tư trang thiết bị y tế khám chữa bệnh ban đầu cho người lao động, hoặc ít nhất cũng phải hợp đồng với cơ sở y tế trên địa bàn để khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa làm được điều này. Đơn cử như ở TP Uông Bí, hiện có hơn 180 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động với tổng số hơn 3.000 người lao động, song số doanh nghiệp có lực lượng chuyên môn cũng như trang thiết bị y tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số đơn vị, doanh nghiệp hàng năm phối hợp tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động cũng rất thấp. Điều đáng nói là mặc dù các đơn vị này có triển khai các hoạt động y tế lao động song chưa thực sự khoa học và đúng quy trình quy định, thậm chí có nơi làm qua loa đại khái để chiếu lệ. Anh Lê Đình Tuyên, cán bộ Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế TP Uông Bí cho biết: "Qua kiểm tra mới thấy hầu hết các đơn vị trên đều không có hồ sơ quản lý khám sức khoẻ, bệnh nghề nghiệp hay hồ sơ sức khoẻ định kỳ của người lao động.

Khám sức khoẻ cho người lao động ở Công ty CP Than Vàng Danh.
Khám sức khoẻ cho người lao động ở Công ty CP Than Vàng Danh.

Việc phòng chống dịch trong môi trường lao động cũng chỉ được làm tự phát, chủ yếu tự mua thuốc về pha rồi phun hoặc thuê những người phun thuốc dạo làm…". Đấy là chưa kể không ít đơn vị, doanh nghiệp còn tìm cách "trốn" luôn nghĩa vụ chăm sóc sức khoẻ cho người lao động. Anh Tuyên khẳng định thêm: "Mặc dù trên địa bàn còn số lượng lớn doanh nghiệp chưa thể tự thực hiện được việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người lao động, thế nhưng cũng chẳng thấy họ phối kết hợp với đơn vị y tế nào để triển khai hoạt động này cả. Ngay như Trung tâm Y tế thành phố chúng tôi, vốn là đơn vị chuyên môn song từ nhiều năm nay cũng chưa được doanh nghiệp mời hay thuê làm gì hết. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp đó đang hoàn toàn "trắng" các hoạt động y tế lao động".

Điều đáng nói là thực trạng triển khai công tác y tế lao động tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ không nghiêm túc, kém hiệu quả không chỉ diễn ra ở TP Uông Bí mà ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Bác sĩ Lê Văn Thưởng, Phó Khoa Sức khoẻ nghề nghiệp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đánh giá: "Có thể nói, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay chỉ có một số đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ cao về mất vệ sinh, an toàn lao động như sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện tương đối đầy đủ các yêu cầu trong hoạt động y tế lao động, số doanh nghiệp còn lại đều chưa triển khai nghiêm túc". Thực tế theo phân cấp quản lý, việc quản lý, giám sát công tác y tế lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc thẩm quyền của các địa phương và hàng năm các địa phương phải có nhiệm vụ tổng hợp báo cáo về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Thế nhưng, lâu nay việc này hầu như không được các địa phương thực hiện đầy đủ.

Cần tăng cường công tác quản lý

Có thể thấy, không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thực hiện nghiêm túc các quy định y tế lao động một phần do các địa phương thả lỏng công tác quản lý. Điều này thể hiện qua việc các địa phương ít tổ chức được các đợt giám sát, kiểm tra doanh nghiệp về các hoạt động liên quan đến công tác y tế lao động; các đợt kiểm tra giám sát dành riêng cho công tác y tế lao động còn ít hơn. Từ đó đã không phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm túc các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực này. Anh Phạm Văn Thất, Trưởng Phòng Y tế TP Uông Bí cho biết: "Đúng là ở cấp địa phương thì việc tổ chức một đoàn kiểm tra dành riêng cho y tế lao động là hơi khó. Như ở Uông Bí, mỗi năm chúng tôi cũng có làm song chỉ kết hợp tại các cuộc kiểm tra liên ngành về công tác vệ sinh an toàn lao động và phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, những cuộc này do thời gian triển khai kiểm tra ngắn, nội dung kiểm tra nhiều và chủ yếu tập trung vào công tác an toàn lao động, vốn là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khoẻ của người lao động, nên các vấn đề về khám sức khoẻ định kỳ, phun độc khử trùng phòng dịch… nói thực là làm chưa tới".

Dễ nhận thấy cái khó của địa phương trong công tác này một phần do nhân lực và kinh phí tương đối hạn hẹp. Thế nhưng vẫn phải khẳng định việc các đơn vị này triển khai các chế tài về quản lý và xử phạt doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực y tế lao động còn "giơ cao đánh khẽ". Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến thời điểm này chưa có một đơn vị, doanh nghiệp nào bị xử phạt về việc này. Ngoài ra, hiện nay vai trò của các trung tâm y tế huyện thị, đơn vị chịu trách nhiệm chuyên môn về việc hướng dẫn, giám sát kiểm tra về y tế lao động cho doanh nghiệp chưa thực sự được chú trọng và phát huy. Anh Nguyễn Trung Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Uông Bí cho biết: "Chẳng hiểu sao mà trong những đợt kiểm tra liên ngành gần đây của thành phố, thành phần tham gia đều không có trung tâm y tế. Như vậy thì làm sao có thể hướng dẫn doanh nghiệp triển khai đúng, đủ các quy định về y tế lao động, cũng như đưa ra những đề xuất với cơ quan chức năng trong việc giám sát, kiểm tra, nâng cao hiệu quả trong công tác này được".   

Có thể nói, công tác y tế lao động trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ là một trong những hoạt động chủ yếu đảm bảo sức khoẻ cho người lao động. Trong khi đó hiện số lao động trong các doanh nghiệp loại này khá đông và ngày có xu hướng tăng cao. Bởi vậy, thiết nghĩ các đơn vị chức năng cần phải có những giải pháp tăng cường công tác quản lý, thực hiện nghiêm các quy định về y tế lao động, từ đó mới nâng cao hiệu quả và chất lượng của các hoạt động này.

Việt Hoa

Ý KIẾN NGƯỜI TRONG CUỘC

Anh Nguyễn Đình Tuyển, Công ty CP Gốm Hạ Long 1: "Doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến việc khám sức khoẻ định kỳ cho công nhân"
Trước đây, Công ty tôi cũng phối hợp với một số cơ sở y tế tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho công nhân. Tuy nhiên, chúng tôi không hiểu tại sao hình thức này hiện nay không còn được duy trì. Là người công nhân trực tiếp lao động tại nhà máy, công việc nặng nhọc, vất vả, song tôi và những đồng nghiệp khác tại công ty ít có điều kiện để tới các cơ sở y tế khám chữa bệnh. Mặt khác, chúng tôi cũng ngại đi khám bệnh định kỳ bởi công việc đã chiếm hết thời gian hành chính và thủ tục khám bệnh tại các cơ sở y tế thường rườm rà, phức tạp. Vì vậy, tôi nghĩ rằng nếu được doanh nghiệp và tổ chức công đoàn quan tâm, tổ chức được các đợt khám bệnh định kỳ như đối với đối tượng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thì những công nhân như chúng tôi sẽ có điều kiện tốt hơn để chăm sóc sức khoẻ, tích cực thi đua lao động – sản xuất.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Huệ, Trưởng Khoa Sức khoẻ nghề nghiệp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: "Mạng lưới y tế lao động còn yếu về nhân lực vật lực"
Hiện nay, tại các trung tâm y tế tuyến huyện cả về nhân lực và vật lực cho công tác y tế lao động đều chưa được đồng bộ và đảm bảo. Mỗi đơn vị chỉ có 1-2 cán bộ tham gia công tác y tế lao động với vai trò kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn vẫn còn yếu. Bên cạnh đó, các trung tâm còn thiếu thốn đủ các loại thiết bị thực hiện đo môi trường lao động để phòng chống bệnh nghề nghiệp như: Máy đo ánh sáng, đo tiếng ồn, đo bụi; thiếu bộ phận xét nghiệm hoá chất độc hại, bộ phận xét nghiệm vi sinh… Với các doanh nghiệp trên địa bàn, mặc dù hầu hết doanh nghiệp lớn đều có trạm y tế, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người lao động. Hiện nay, tổng số khoảng 8.000 doanh nghiệp có đăng ký sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thì Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh mới quản lý được hơn 1.300 doanh nghiệp. Việc khám bệnh nghề nghiệp, đo môi trường lao động phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có ký với trung tâm hay không… Bởi vậy nên nhiều doanh nghiệp bỏ qua công tác này.

Bác sĩ Phạm Văn Kha, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn: "Các doanh nghiệp còn chưa quan tâm đến khám, chữa bệnh cho người lao động"
Hiện nay trên địa bàn huyện Vân Đồn tuy số doanh nghiệp không nhiều, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều chưa quan tâm đến môi trường làm việc và khám chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Theo quy định, các doanh nghiệp phải tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký khám chữa bệnh cho người lao động tại trung tâm là rất ít. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ cho công tác theo dõi sức khoẻ và phòng chống các bệnh nghề nghiệp cho người lao động trên địa bàn.

Anh Trương Ngọc Anh, công nhân Công ty Than Hà Tu: "Công nhân cũng cần trang bị những kiến thức để chủ động phòng tránh bệnh nghề nghiệp"
Người lao động chúng tôi vốn thường xuyên tiếp xúc với môi trường có nhiều nguy cơ dẫn đến bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm của Công ty và ý thức bảo vệ mình của bản thân nên chúng tôi đã chủ động phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ đó đi rất nhiều. Hàng năm, cán bộ, công nhân viên trong Công ty đã được khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng/lần, những người ốm, hoặc có tiền sử mắc bệnh đều được công ty tạo điều kiện khám chữa bệnh, cấp phát thuốc và tạo điều kiện làm việc thuận lợi. Bên cạnh đó, qua công tác tuyên truyền tại công ty, chúng tôi cũng nắm bắt được và chủ động phòng tránh tác hại về bệnh nghề nghiệp, cách nhận biết, phòng tránh bệnh nghề nghiệp. Nhờ đó, người lao động chúng tôi cũng tự trang bị những kiến thức liên quan đến bệnh nghề nghiệp, dần nâng cao ý thức để bảo vệ mình tốt hơn.

Nguyễn Thanh

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét