Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Hãi hùng “bắn“ lưu huỳnh chống mốc cho dược liệu


Để lưu giữ sản phẩm được đẹp, không bị mốc, người dân nơi đây buộc phải sử dụng lưu huỳnh để bảo quản dược liệu quý.

Thôn Thiết Trụ , xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên vốn được mệnh danh là "thủ phủ" của dược liệu cung cấp nguồn thuốc Bắc, thuốc Nam lớn cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Ở đây có đủ các mặt hàng tinh dầu bạc hà, ngưu tất, địa liền đến hoài sơn, bạch chỉ… Để lưu giữ sản phẩm được đẹp, không bị mốc, người dân nơi đây buộc phải sử dụng lưu huỳnh để bảo quản dược liệu quý.

Dược liệu phơi bên đống rác

Dọc đường vào thôn Thiết Trụ, dược liệu được tập kết chất lăn lóc đầy hai bên đường, cạnh cả những đống rác. Sân phơi không chỉ được tận dụng ở đường, mà ngay cả bờ ao làng cũng trở thành điểm tập kết phơi dược liệu. Ngoài những dược liệu trồng được, một phần đáng kể các loại thuốc như bản hạ, bạch chỉ… được thu gom từ vùng miền núi phía Bắc. Theo những chủ cơ sở sản xuất thuốc Nam, thuốc Bắc ở làng này: Dược liệu ở đây không chỉ cung cấp cho các tỉnh lân cận mà còn xuất sang cả Trung Quốc.

Dược liệu được phơi đầy hai bên đường, cạnh cả những đống rác.
Dược liệu được phơi đầy hai bên đường, cạnh cả những đống rác.

Anh H.L – một người từng nhiều năm làm thuốc ở làng cho biết: Không chỉ tại Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) mà nguồn hàng tại phố Lãn Ông (Hà Nội) – con phố chính cung cấp thuốc Bắc cho Thủ đô và các tỉnh phụ cận cũng được nhập chủ yếu từ thôn Thiết Trụ. Hầu hết các chủ buôn ở phố này đều muốn về thôn Thiết Trụ lấy hàng vì ở đây giá rẻ, lại tiện đi lại. Nhiều người từ Trung Quốc sang tận nơi tận thu thuốc với giá rẻ, mang về nước sao tẩm chế biến rồi lại nhập ngược trở lại cho thị trường Việt Nam với giá trên trời. Chẳng hạn như táo sấy, giá gốc chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn/kg, thương lái Trung Quốc thu mua về, "hô biến" thành táo Tàu, xuất trở lại Việt Nam, giá đã đội lên 120.000 đồng/kg.

Từ tháng 11 đến tháng 2 là vào mùa thu hoạch dược liệu. Đây cũng là thời điểm mưa xuân nên dược liệu không có cơ hội phơi nắng. Người dân đành phải dùng hấp lưu huỳnh (hay còn gọi là diêm sinh) để đảm bảo dược liệu không bị mốc.

Ngâm nước 30 phút là "an toàn"?

Một trong những công đoạn quan trọng nhất trong chế biến dược liệu tại đây là hấp sấy thuốc bằng lưu huỳnh. Nhà ông T.L là một đại lý dược liệu lớn của thôn Thiết Trụ, chuyên thầu mua hàng khô của các đại lý trong làng rồi bán lại cho những đầu mối lớn.

Nhà ông có đủ các loại dược liệu từ loại thô của địa phương đến mặt hàng rừng – tức hàng dược liệu có nguồn gốc trên miền núi phía Bắc như thảo quả, xuyên khung, hà thủ ô… Thậm chí có sản phẩm nhập từ Trung Quốc như sâm. Mỗi tháng trung bình xưởng nhà ông chế biến và cho tiêu thụ vài chục tấn hàng.

Nhìn dược liệu đủ loại được cho vào những bao tải lớn chất đống trong kho, chúng tôi thắc mắc:  Không hiểu họ bảo quản làm sao để dược liệu không bị mốc, thì được một người quen rỉ tai:  Để giữ được màu và chống ẩm mốc, họ buộc phải sử dụng lưu huỳnh. "Giờ "bắn" ít hơn chứ trước kia lượng thuốc "bắn" vào dược liệu nhiều lắm. Phải làm như thế để dược liệu bảo quản được lâu hơn!

Khi chúng tôi băn khoăn về việc lạm dụng chất hóa học sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thuốc, ông L trấn an: Mùi lưu huỳnh lúc đầu thì khó chịu, nhưng sau khi phơi khô qua 4 con nắng thì sẽ hết mùi ngay. Thường vào những thời điểm chính vụ, việc thu gom, sấy thuốc với lưu huỳnh với mật độ dày đặc khiến không khí ở đây khá ô nhiễm, nguồn nước sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng. Ông trấn an: Người dân muốn an toàn, khi sử dụng chỉ cần rửa thuốc rồi ngâm nước 30 phút là hết lưu huỳnh ngay (!?).

Hầu hết các dược liệu ở đây đều được sơ chế bằng cách hấp lưu huỳnh vì nhiều mặt hàng đưa về đây đã gần bị mốc. Có thời điểm hàng nhiều quá, chừng nửa tháng lại phải bỏ ra "bắn" lưu huỳnh.

Theo tiết lộ của nhiều người: Bây giờ, ít gia đình để dược liệu trong nhà mà đều thuê đất ở cánh đồng hoặc làm kho ở ngoài vườn vì mùi thuốc quá đậm đặc, không ngủ nổi.

Mấy năm trước, nhiều hộ thường quây cót sấy tại sân nhà. Mỗi cót khoảng 4 tạ sản phẩm tươi thì cần dùng tới 6kg lưu huỳnh. Ngày cao điểm, nhà nào cũng đốt lò khiến cả một vùng quánh đặc mùi hóa chất, không ít người thấy khó thở, đau đầu mặc dù đã bịt kín mặt. Ô nhiễm quá, chính họ cũng không chịu nổi. Bây giờ các gia đình đã dùng lò sấy chuyên dụng nhưng nước rửa dược liệu vẫn được tống thẳng xuống ao, hồ, cống rãnh.

Theo Gia đình



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét