Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Chuyển động ở Hải Lạng


Trong những năm qua cùng với nghề nuôi trồng thuỷ sản, nhân rộng các mô hình kinh tế, từng bước đẩy nhanh việc chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hoá đang mang lại thu nhập khá, giúp người dân xã Hải Lạng (Tiên Yên) có đời sống mới đầy đủ hơn, sung túc hơn.

Trước đây, người dân xã Hải Lạng chỉ quen với phương thức sản xuất nông nghiệp đơn thuần, chủ yếu là tự cung tự cấp, do thiếu nước nên diện tích cấy lúa ít, nhiều ruộng đất bị nhiễm mặn lúa kém phát triển, năng suất bấp bênh. Chính vì vậy cái đói, cái nghèo luôn đeo bám bà con nơi đây. Nhận thấy điều kiện tự nhiên phù hợp với việc nuôi trồng thuỷ sản, nhiều hộ dân đã khai hoang lấn biển, đắp đầm nuôi tôm sú bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian đầu trong xã chỉ có hơn chục hộ triển khai nuôi trồng thuỷ sản với diện tích 12ha, đến nay diện tích nuôi trồng thuỷ sản đã tăng lên tới gần 600ha với hơn 330 hộ nuôi, tập trung chủ yếu ở khu vực các thôn Cái Đản, Hà Dong, Hà Thụ. Rất nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản trong xã đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cùng với phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản, thời gian gần đây, nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hoá đã được xã triển khai và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân như: Trồng cây ba kích, trồng cây đậu tương, trồng ổi không hạt, nuôi chồn nhung đen, cua biển, cá rô phi đơn tính… Để bà con có kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất, xã cũng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao, các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm tại một số địa phương có mô hình tốt và tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn phát triển sản xuất, nhằm nâng cao thu nhập. Qua việc triển khai một cách đồng bộ và tích cực, nhân dân trong xã đã tiếp cận nhanh hơn trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, hiệu quả kinh tế được tăng cao, từ đó tạo được việc làm cho lao động địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn xã.

Mô hình nuôi chồn nhung đen của gia đình anh Trần Văn Lộc, thôn Hà Dong Nam, xã Hải Lạng.
Mô hình nuôi chồn nhung đen của gia đình anh Trần Văn Lộc, thôn Hà Dong Nam, xã Hải Lạng.

Tới Hải Lạng giờ đây sẽ thấy xã ven biển mang diện mạo mới với những con đường bê tông thẳng tắp và những ngôi nhà cao tầng khang trang. Ngay thôn Đồi Mây, thôn mà trước đây luôn là nỗi lo không chỉ của xã mà là của cả huyện và tỉnh bởi đa phần là hộ nghèo, thì nay cũng đã được "thay da đổi thịt". Ông Nguyễn Văn Phượng, trưởng thôn Đồi Mây cho biết: Đã đi hết một nửa quãng đường đời, tôi không ngờ được cuộc sống của chúng tôi được sung túc như ngày hôm nay. Đó là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Đảng và chính quyền. Huyện đã cấp ruộng đất để bà con trồng cấy, tỉnh còn hỗ trợ tiền phân bón, nhà ở, lương thực… giúp người dân ổn định sản xuất. Ngoài trồng lúa, trồng màu, bà con trong thôn còn nuôi trồng thuỷ sản, mỗi năm thu cho doanh thu từ 200-300 triệu đồng. Bà con Đồi Mây ngoài nuôi tôm, tranh thủ lúc nông nhàn thì đi xây thuê, đi phát rừng hoặc đi bóc vỏ keo. Hiện cả thôn chỉ còn 21 hộ nghèo.

Đồng chí Đinh Văn Khuây, Bí thư Đảng uỷ xã Hải Lạng cho biết: "Trước đây đời sống của bà con trong xã tương đối khó khăn, chăn nuôi trồng trọt theo quy mô hộ gia đình, kỹ thuật canh tác lạc hậu, mùa vụ thất thường, hiệu quả sản xuất thấp. Những năm trở lại đây xã đã phối hợp với các đoàn thể thực hiện tốt công tác vận động, hỗ trợ nhân dân thực hiện một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới. Tuy đã có những đổi thay nhưng với tốc độ phát triển sản xuất hiện nay thì hệ thống thuỷ lợi phục vụ cho tưới tiêu vẫn còn khó khăn. Hệ thống kênh mương được kiên cố hoá mới chỉ đạt 8/42km, số còn lại là mương đất. Do không chủ động được về tưới tiêu đã gây khó khăn cho việc thâm canh tăng vụ, đồng thời ảnh hưởng đến việc đầu tư tăng năng suất nuôi trồng thuỷ sản của người dân. Vì vậy, để tiếp tục phát triển Hải Lạng cần sự quan tâm từ các cơ quan chức năng, các sở, ban, ngành đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo nguồn nước sản xuất cũng như nước sinh hoạt cho nhân dân trong xã.

Cao Quỳnh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét