Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

“Tôi vui vì Quảng Ninh đã thực sự bước sang trang mới...”


Năm nay đã bước qua tuổi 91, nhưng trò chuyện với tôi bên tách trà nóng, trong không gian yên tĩnh, cách xa những ồn ã của phố phường, cụ Nguyễn Ngọc Đàm trông vẫn rất tinh anh, minh mẫn. Mà không chỉ là những kỷ niệm của quá khứ, những nhận xét của cụ về cuộc sống hôm nay cũng rất sắc sảo; không hề có sự "lẫn cẫn" như thường thấy ở người cao tuổi…

Nhắc lại quá khứ, cụ bảo:

+ Đó là những năm tháng không dễ gì mà quên được. Tôi về nhậm chức ở Quảng Ninh từ năm 1952, lúc đó còn chưa đến 30 tuổi. Kể như bây giờ thì cũng hiếm, nhưng thời ấy thì cũng không đặc biệt lắm đâu. Cô biết không, đó là thời kỳ đất nước vô cùng khó khăn. Với Quảng Ninh, ngay cả sau khi được giải phóng thì tỉnh vẫn nghèo, dân vẫn đói lắm. Ngoài khai thác than ra chúng ta gần như không phát triển thêm được gì. Hàng năm, Trung ương vẫn phải trợ cấp cho tỉnh một nguồn nhất định…

Cụ Nguyễn Ngọc Đàm, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Chủ tịch UBHC tỉnh.
Cụ Nguyễn Ngọc Đàm, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Chủ tịch UBHC tỉnh.

- Là người đã gắn bó với mảnh đất này từ những ngày đầu tiên ấy; đến nay, tuy đã nghỉ hưu nhưng cháu được biết cụ vẫn luôn theo sát tình hình thời sự tỉnh nhà. Vậy cụ có nhận xét gì về sự phát triển của Quảng Ninh trong những năm gần đây không ạ?

+ Tôi nghĩ, sau năm 90 tỉnh ta đã bước vào thời kỳ có những thay đổi hết sức căn bản và tạo đà cho sự chuyển mình mạnh mẽ rồi. Không chỉ có công nghiệp khai thác than, khoáng sản; chúng ta đã mạnh dạn hơn trong việc phát triển các ngành nghề khác như thương mại, dịch vụ hay du lịch. Đặc biệt, một vài năm trở lại đây, tôi thấy lĩnh vực công nghiệp và du lịch đang được tỉnh quan tâm đầu tư nên đã có khá nhiều thành tựu nổi bật. Ngày trước trong phát triển kinh tế, ít ai đề cập đến thu hút đầu tư hay nguồn lực ngoại lắm. Giờ thì tỉnh ta đã và đang là một trong những địa phương thu hút được nhiều nguồn lực, trong đó có cả nguồn lực ngoại. Qua đó, hỗ trợ đáng kể vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà. Cơ sở hạ tầng nói chung dần được nâng cấp, hoàn thiện. Điện đã về với từng bản làng, hải đảo. Gần đây nhất, tôi nghe tin đến Cô Tô cũng đã có dự án đưa điện Quốc gia ra đó. Tôi mừng quá… Thời chúng tôi, những chuyện đó đến trong mơ cũng không dám nghĩ tới. Tôi theo dõi qua ti vi, đài, báo, thậm chí qua cả mạng internet nữa, thấy thật vui, thật tự hào về quê hương mình. Quảng Ninh giờ là địa phương duy nhất của cả nước có tới 4 thành phố trực thuộc. Trước đây tỉnh ta vẫn còn phải trông chờ hỗ trợ từ ngân sách của Trung ương thì nay tỉnh luôn là một trong những địa phương nộp ngân sách cho Trung ương nhiều nhất rồi. Đời sống nhân dân cũng khấm khá lên nhiều. Thợ mỏ bây giờ không hiếm người đóng thuế thu nhập cơ mà. Rõ ràng, Quảng Ninh đã bước sang trang mới của sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả mọi lĩnh vực…

- Như cụ nói ở trên, chưa tới 30 tuổi cụ đã "nhậm chức" Chủ tịch tỉnh. Và đến năm 2008, khi đã xấp xỉ "cựu tuần", cụ cũng lại "nhậm chức" Chủ tịch, nhưng lần này là Chủ tịch… Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi. Vì sao tuổi đã cao, sức đã yếu mà cụ vẫn chọn cho mình công việc vất vả này, thưa cụ?

+ Tôi cũng là một trẻ mồ côi và khuyết tật, từ nhỏ đã thiếu đi sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ; phải sống cùng với những khiếm khuyết trên cơ thể. Đó là một nỗi đau cá nhân. Vậy nên, có lẽ tôi có sự đồng cảm và sẻ chia sâu sắc hơn đối với những mảnh đời như vậy chăng? Và vì thế, một khi mình vẫn còn sức khoẻ, còn đi được, thì không có cớ gì để từ chối. Tôi làm công việc này bằng tất cả tình thương và trách nhiệm với xã hội. Tôi nghĩ, họ là những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi và nỗi đau nhất. Không chỉ về mặt vật chất mà còn cả về mặt tinh thần. Vì vậy, sự quan tâm của cả xã hội sẽ khiến họ cảm thấy yêu cuộc sống này hơn và còn tiếp thêm cho họ ý chí, nghị lực để vươn lên trong cuộc sống… Hơn 5 năm trong vai trò Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, tôi đã được đi đến rất nhiều địa phương trong tỉnh, bắt gặp những hoàn cảnh vô cùng khó khăn và thật sự cảm động trước ý chí vươn lên của những người khuyết tật và của những cháu mồ côi. Những gì chúng tôi mang đến cho họ chỉ là tấm lòng và một chút vật chất ít ỏi để sẻ chia thôi. Và tôi rất muốn mình có thêm sức khoẻ để có thể đến gần hơn với họ. Rất muốn cả xã hội hãy mang đến chút ấm áp và sẻ chia cho những con người này.

- Là một cán bộ lão thành, cụ có điều gì muốn nói với lớp cán bộ thuộc thế hệ đi sau không ạ?

+ Thế hệ lãnh đạo như chúng tôi đã qua lâu rồi, nhường bước cho những lớp thế hệ đi sau. Họ có tư duy mới, cách làm mới phù hợp với xu thế thời đại. Tôi đặt sự kỳ vọng vào họ. Rõ ràng, những khó khăn, thách thức cho sự phát triển của địa phương đặt ra ngày một nhiều hơn nhưng với những gì Quảng Ninh đã và đang thực hiện, tôi tin họ làm được…

- Thế còn cụ, niềm vui tuổi già của cụ hiện nay như thế nào?

+ Công việc ở Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi mà hiện tôi đang làm tất nhiên đã là một niềm vui. Còn trong cuộc sống hàng ngày, tôi cũng như những người già khác thôi: tập thể dục vào mỗi sáng, đọc báo, hàn huyên trò chuyện, thi thoảng tham gia những chuyến đi tham quan để biết thêm về quê hương, đất nước mình… Đến cái tuổi này, có lẽ cũng chỉ nên mưu cầu như thế thôi nhỉ? (cười).

Chia tay cụ Nguyễn Ngọc Đàm, trên đường trở về cơ quan, tôi thấy lòng mình thật vui. Chợt nghĩ, ở cái tuổi 91 rồi mà vẫn luôn quan tâm đến xã hội, vẫn muốn làm cái gì đó cho xã hội, những người như cụ thật đáng để lớp hậu sinh như tôi noi theo học tập… Tôi cầu chúc cho cụ có thêm sức khoẻ để "bách niên giai lão"!

Hồng Nhung



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét