Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Xây dựng thương hiệu nông sản: Tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp


Bên cạnh thế mạnh về công nghiệp, dịch vụ, Quảng Ninh còn có thế mạnh là một vùng nguyên liệu phong phú với nhiều mặt hàng nông, lâm, thuỷ hải sản, gia súc, gia cầm và các loại thực phẩm chế biến… có giá trị kinh tế cao. Để nâng cao giá trị cũng như mở rộng sản xuất các mặt hàng nông sản này, Quảng Ninh sẽ xây dựng thương hiệu cho 25-30 sản phẩm nông nghiệp đặc thù qua đó tạo ra bước đột phá mới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Một thực tế là trong những năm qua, mặc dù có nhiều nông sản đặc trưng cho từng vùng miền, từng khu vực như: chả mực Hạ Long, sá sùng Vân Đồn, miến dong Bình Liêu, gà Tiên Yên, rượu Ba Kích, chè Đường Hoa… nhưng các nông sản này chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm, nhãn hiệu hàng hoá mà chỉ được biết đến trong phạm vi hẹp, chưa khẳng định được giá trị. Vì vậy việc mở rộng sản xuất cũng như mở rộng thị trường của các sản phẩm này gặp rất nhiều trở ngại, khó cạnh tranh với các sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu trên thị trường nên giá bán thường thấp hơn so với chất lượng sản phẩm.

Thu mua hải sản tại cảng Cái Rồng (Vân Đồn).
Thu mua hải sản tại cảng Cái Rồng (Vân Đồn).

Từ thực tế này, việc đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản là việc làm cần thiết, từng bước khắc phục những khó khăn tồn tại trong thời gian qua và từng bước nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về sở hữu trí tuệ, tạo dựng, quản lý và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá để phát triển sản xuất kinh doanh. Trong năm 2012 sẽ có 18 dự án xây dựng thương hiệu của tỉnh được triển khai thực hiện, trong đó có 16 dự án thuộc Chương trình của tỉnh và 2 dự án thuộc chương trình hỗ trợ của Trung ương. 18 dự án này bao gồm: 4 dự án xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chả mực, ngán, sá sùng và mai vàng Yên Tử; 11 dự án xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm: rượu mơ Yên Tử, rau an toàn Quảng Yên, nước mắm Cái Rồng, gà tiên Yên, mực ống Cô Tô, rượu ba kích Quảng Ninh, miến dong Bình Liêu, chè Đường Hoa, tu hài Vân Đồn, trứng gà Tân An, mật ong Tiên Yên; 3 dự án xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể: vải chín sớm Phương Nam, na dai Đông Triều, nếp cái hoa vàng Đông Triều.

Việc thực hiện Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp sẽ xác định các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh cần xây dựng thương hiệu đến năm 2015 để tập trung hỗ trợ xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển. Theo đánh giá của ngành chức năng, thực hiện chương trình này là một điểm nhấn quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình quản lý, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; bảo tồn các loài đặc hữu, khôi phục các nguồn gen quý của nông sản bên cạnh đó là thị trường tiêu thụ sẽ từng bước được mở rộng, tăng tính cạnh tranh và giá bán cho các nông sản. Thực tế cho thấy, khi đã có thương hiệu, giá bán của các nông sản sẽ tăng từ 15-20% so với khi chưa xây dựng được thương hiệu. Công tác quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý thương hiệu được chặt chẽ hơn thông qua việc hình thành các tổ chức đại diện cho các hộ gia đình cùng tham gia sản xuất kinh doanh nhằm bảo vệ lợi ích chung; thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng hơn thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Sỹ Nguyên, Trưởng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, các cấp các ngành và các địa phương đang tích cực triển khai các nội dung của chương trình theo chức năng, trong đó sở Khoa học và Công nghệ là đầu mối. Đến nay, 16 dự án thuộc chương trình của tỉnh đã thẩm định xong về chuyên môn và kinh tế và đã được tỉnh phê duyệt; 2 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ của Trung ương đã thẩm định xong và đang triển khai thực hiện. Xác định việc xây dựng thương hiệu là để phục vụ phát triển sản xuất, nên các dự án xây dựng thương hiệu của tỉnh bên cạnh việc bám sát thực tiễn, hỗ trợ sản xuất sản phẩm hàng hoá đồng thời phải đảm bảo đưa được sản phẩm ra thị trường, xây dựng được các kênh tiêu thụ sản phẩm, các công cụ tuyên truyền quảng bá để phát triển thị trường.

Trong khi 2 dự án thuộc chương trình hỗ trợ của Trung ương sẽ chia thành 2 giai đoạn thực hiện bao gồm: giai đoạn xác lập quyền và xây dựng các công cụ quản lý và giai đoạn phát triển quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng thị trường thì các dự án của tỉnh lại gộp lại thành một giai đoạn, rút ngắn thời gian thực hiện dự án và đảm bảo các nội dung như Quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm hàng hoá, hỗ trợ phát triển sản xuất, áp dụng các quy trình tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm; xây dựng, tiêu chuẩn hoá các quy trình quản lý sản xuất, chuẩn hoá các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm từ khâu quả lý nguyên liệu, con giống đến sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói sản phẩm; xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu; xây dựng chuẩn hoá hệ thống bao bì, nhãn mác, hệ thống nhận diện sản phẩm; hệ thống các công cụ tuyên truyền quảng bá phát triển thị trường; xây dựng hệ thống các kênh tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường… Đây là mô hình có tính đặc thù riêng của Quảng Ninh.

Cũng theo ông Đinh Sỹ Nguyên hiện Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp chặt chẽ với Cục Sở hữu trí tuệ để có được những đơn vị tư vấn có đủ năng lực và phấn đấu đến giữa năm 2013 sẽ thực hiện xong việc xây dựng thương hiệu đối với 18 sản phẩm nông nghiệp.

Hữu Việt



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét