Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Dự án xây dựng Nhà máy cấp nước sạch Móng Cái đã được đề nghị tham gia vay vốn của ADB


Trong những năm qua, việc đầu tư những công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân luôn được tỉnh quan tâm bố trí nguồn lực nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư. Chúng tôi đã nhận được nhiều câu hỏi của người dân quan tâm đến vấn đề này. Đồng chí Trần Đức Lâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có trao đổi cụ thể xung quanh vấn đề nhân dân huyện Hoành Bồ, TP Móng Cái và các địa phương khác quan tâm.

- Liên quan đến đầu tư hạ tầng kỹ thuật, bạn đọc ở TP Móng Cái quan tâm đặt vấn đề hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt tại TP Móng Cái nhiều năm nay sử dụng nước lấy từ sông Ka Long bị ô nhiễm trầm trọng do rác thải ngày càng nhiều của hai TP Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc). Được biết tỉnh đã có chủ trương tìm kiếm nguồn lực đầu tư cho dự án này. Xin đồng chí cho người dân TP Móng Cái biết công việc đang được triển khai thế nào?

Ông Trần Đức Lâm.
Ông Trần Đức Lâm.

+ Vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản số 2841 đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hỗ trợ để tham gia vay vốn của "Chương trình Phát triển ngành nước Việt Nam" do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ cho dự án Nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước TP Móng Cái với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 294 tỷ đồng, trong đó vốn ODA vay ưu đãi của ADB là  253 tỷ đồng, vốn đối ứng khoảng 41 tỷ đồng. Để dự án được tham gia chương trình ngành nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu UBND tỉnh cần phải tự bố trí để chuẩn bị dự án: Bao gồm báo cáo nghiên cứu khả thi, kế hoạch tái định cư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, công tác chuẩn bị đầu tư cần phải thực hiện tốt. Tỉnh đã có chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thi công cấp nước Quảng Ninh chuẩn bị, nếu dự án được chấp thuận đăng ký danh mục đề nghị tài trợ vốn ODA thì Công ty sẽ dùng nguồn vốn của doanh nghiệp để lập báo cáo nghiên cứu khả thi và một số công tác khác để đáp ứng tiến độ của nhà tài trợ và quy định hiện hành của Chính phủ. Hiện tỉnh đang rất tích cực tranh thủ sự ủng hộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vận động nhà tài trợ đồng ý bố trí nguồn vốn sớm để dự án được triển khai thực hiện sớm có nguồn nước an toàn chất lượng tốt hơn phục vụ nhân dân thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

- Năm 2012, tỉnh thực hiện phân cấp đầu tư cho các địa phương. Tuy nhiên, với những dự án đã có quyết định đầu tư trước khi tỉnh phân cấp quản lý vốn ở những xã thuộc chương trình 135 hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong đảm bảo nguồn vốn thực hiện. Đây là vấn đề bạn Hữu Linh ở thôn Tân Ốc 2, xã Đồng Sơn (Hoành Bồ) và một số bạn đọc khác phản ánh về việc đầu tư xây dựng 2 con đường Tân Ốc – Khe Càn và Đồng Sơn – Phủ Liễn, hiện tiến độ rất chậm mà nguyên nhân chính là do thiếu vốn sau phân cấp đầu tư. Vậy tỉnh có giải pháp, cơ chế ưu tiên, hỗ trợ kinh phí đầu tư cho các trường hợp này không, thưa đồng chí?

+ Tôi được biết 2 dự án này hiện còn thiếu khoảng 30 tỷ đồng để hoàn thành. Vì vậy rất chia sẻ với những băn khoăn của nhân dân xã Đồng Sơn. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương khác sau thực hiện phân cấp đầu tư.

Như chúng ta đã biết năm 2012 tỉnh quyết định thực hiện phân cấp đầu tư là để quản lý nguồn vốn ngân sách tốt hơn, để đầu tư đúng với thực tiễn, nhu cầu của mỗi địa phương hơn. Điều đó có nghĩa tỉnh sẽ không giao công trình cho các địa phương như những năm trước mà giao tổng vốn, trên cơ sở đó các địa phương tự xây dựng kế hoạch, ra quyết định đầu tư, thực hiện các quy trình theo quy định… Theo các quyết định của UBND tỉnh thì các tuyến đường Tân Ốc – Khe Càn và Đồng Sơn – Phủ Liễn trên địa bàn xã Đồng Sơn (huyện Hoành Bồ) không thuộc nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của ngân sách tỉnh năm 2012 và những năm tiếp theo nữa. Huyện Hoành Bồ sau khi được phân cấp đầu tư phải ưu tiên thanh, quyết toán cho nhóm công trình đã hoàn thành trong đó có 2 công trình nêu trên và đảm bảo hoàn thành kế hoạch, mục tiêu các chương trình trên địa bàn. Vẫn biết với những huyện miền núi thu ngân sách trên địa bàn không thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chi mà vẫn cần có sự hỗ trợ rất lớn từ tỉnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thu ngân sách còn gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, tỉnh chưa thể cân đối để có nguồn lực tăng cường, hỗ trợ cho các địa phương. Vì vậy, giải pháp tối ưu nhất lúc này là địa phương cần có sự rà soát việc đầu tư trên địa bàn để cân đối nguồn lực phân bổ hợp lý.

- Nhân nói về hỗ trợ cho các xã khó khăn, thưa đồng chí, chúng tôi có nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân các xã Thanh Lâm, Thanh Sơn, Đạp Thanh (Ba Chẽ) là dù không còn là xã thuộc Chương trình 135 nhưng thực tế các xã này cũng còn rất nhiều khó khăn, họ rất cần tỉnh xem xét có cơ chế hỗ trợ?

+ Hiện nay các xã thuộc danh mục Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh, ngoài  được hưởng cơ chế chính sách từ trung ương còn được tỉnh quan tâm, có cơ chế hỗ trợ, như tại Chương trình Xây dựng nông thôn mới khi phân bổ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh cho các huyện thì có xét đến yếu tố các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, các hoạt động khuyến nông cũng được nhận ưu đãi, hỗ trợ từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Cụ thể với 3 xã Thanh Lâm, Đạp Thanh, Thanh Sơn (Ba Chẽ) không nằm trong danh sách các địa phương được nhận ưu đãi, hỗ trợ của chương trình 135 nữa, do đó không thuộc diện hưởng cơ chế hỗ trợ của chương trình 135 và các chương trình khác có liên quan. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ có ý kiến tham gia với UBND tỉnh bổ sung thêm tiêu chí chấm điểm trong công tác phân bổ nguồn vốn nông thôn mới.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Lan Hương (Thực hiện)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét