Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Trên quê hương Anh hùng Lỷ A Coỏng


Quảng An, một xã vùng cao của huyện Đầm Hà với 72% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số vốn từ trước tới nay nổi tiếng bởi đây là quê hương người anh hùng tiễu phỉ Lỷ A Coỏng. Với niềm tự hào ấy, người dân nơi đây đang nỗ lực cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.

Chuyện gia đình người anh hùng tiễu phỉ

Lặn lội hơn chục km từ thị trấn Đầm Hà, chúng tôi có mặt tại nhà Anh hùng Lỷ A Coỏng ở thôn Làng Ngang, xã Quảng An. Tiếp quản ngôi nhà đơn sơ của ông bà để lại là anh Lỷ Say Dùng, 47 tuổi, con út của anh hùng Lỷ A Coỏng. Bên chiếc bàn mộc mạc, anh và tôi cùng ôn lại chiến công đi vào sử sách của người cha mà anh ngưỡng mộ.

Sau hiệp định Giơnevơ (tháng 7-1954), đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược "diệt Cộng" ở miền Nam và phá hoại miền Bắc. Khu vực miền Đông Quảng Ninh là một trong những địa bàn chúng xây dựng lực lượng phản động, đưa biệt kích thâm nhập. Tháng 8-1958, tên phỉ Trình Coóng Phí cưỡng bức hơn 80 người dân chạy vào rừng, lập căn cứ tại huyện Hà Cối (nay là Hải Hà). Cuối năm đó, nhóm này đã nhập với toán biệt kích do tên Lường Mủ, từ vĩ tuyến 17 đột nhập ra Bắc. Tháng 9-1959, chúng sáp nhập với bọn phỉ ở Bình Liêu. Bọn phỉ tổ chức cướp súng, bắn giết cán bộ xã, cướp lương thực, thực phẩm của dân. Đồng chí Lỷ A Coỏng khi đó là xã đội trưởng du kích của xã Thanh Y (nay là xã Quảng Lâm của huyện Đầm Hà) đã chỉ huy anh em du kích xã dũng cảm đánh trả lại bọn phỉ để bảo vệ cuộc sống yên bình cho bà con. Năm 1961, đồng chí và đội du kích xã cùng bộ đội biên phòng, công an phối hợp bao vây đường dây, hang ổ, tiêu diệt gần 80 tên phỉ, xoá sổ bọn phỉ trên địa bàn huyện Đầm Hà. Với thành tích đó, ngày 1-1-1967, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trường THCS Quảng An (Đầm Hà) được kiên cố hoá khang trang.
Trường THCS Quảng An (Đầm Hà) được kiên cố hoá khang trang.

Phát huy thành tích của gia đình, con cháu Anh hùng Lỷ A Coỏng luôn tự giác vươn lên phát triển kinh tế, đóng góp vào công tác xoá đói, giảm nghèo của xã. 6 người con của ông đều được học hành đầy đủ. Ngoài con gái cả vào Đắc Lắc sinh sống, 5 người con còn lại (4 gái, 1 trai) của Anh hùng Lỷ A Coỏng hiện an cư lạc nghiệp trên đất Quảng An. Bản thân anh Dùng, từ năm 2006 đã xây dựng mô hình phát triển vườn ươm giống, gồm: keo, quế để cung cấp cho bà con dân bản trồng rừng. Mô hình này đã tạo thu nhập cho gia đình anh vài chục triệu đồng mỗi năm.

Anh Lỷ Say Dùng (phía trong, bên phải) - con trai út của Anh hùng Lỷ A Coỏng kể cho cán bộ trẻ của huyện Đầm Hà và xã Quảng An về bố mình.
Anh Lỷ Say Dùng (phía trong, bên phải) – con trai út của Anh hùng Lỷ A Coỏng kể cho cán bộ trẻ của huyện Đầm Hà và xã Quảng An về bố mình.

Bà con nơi đây ngưỡng mộ nhất với gia đình Anh hùng Lỷ A Coỏng chính là phong trào hiếu học. Ở một xã vùng cao, số đông là đồng bào dân tộc thiểu số như Quảng An, để có con em theo học hết cấp 3 không nhiều, nhưng với gia đình anh Lỷ Say Dùng, 4 người con thì 1 đã tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên, 1 tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, con gái thứ 3 vừa tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, còn cô con gái út cũng vừa thi xong cao đẳng. Con các anh chị khác của anh Dùng cũng được học hành đầy đủ, có cháu còn tốt nghiệp đại học giờ đang công tác ở huyện.

Phát huy truyền thống trên quê hương anh hùng

Không chỉ con cháu của Anh hùng Lỷ A Coỏng mà bà con dân tộc đất Quảng An luôn tự hào về truyền thống anh hùng của quê hương mình. Bởi vậy, phong trào phát triển kinh tế, xoá nghèo, đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở Quảng An phát triển mạnh mẽ. Năm 2011, trong số 11 thôn, bản của xã thì các thôn Thìn Thủ, Làng Ngang, Nà Thổng đạt thôn văn hoá. Cả xã có tới 630 hộ đạt gia đình văn hoá. Trường học các cấp, trạm y tế xã trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng khang trang. Thay vì phải đi vận động học sinh tới lớp, bà con dân tộc ở Quảng An đều tự giác cho con em đến trường. Năm học 2011-2012, toàn xã có 11 lớp mẫu giáo, 35 lớp tiểu học, 11 lớp THCS với tổng số 889 học sinh. Số học sinh chuyển cấp nơi đây đạt tới 100%. Việc giáo dục truyền thống anh hùng yêu nước, nhất là học tập tấm gương Anh hùng Lỷ A Coỏng cho thế hệ con, cháu trong xã luôn được xã chú trọng. 455 thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự của xã luôn sẵn sàng lên đường nhập ngũ.

Phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo được xã quan tâm. Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết, ngoài làm nông nghiệp, hầu hết hộ dân trong xã đều tự giác tham gia trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, toàn xã đã có trên 2.000ha rừng sản xuất, cho tổng giá trị từ ngành lâm nghiệp của xã trong 6 tháng đầu năm 2012 hơn 1,65 tỷ đồng. Đàn gia súc, gia cầm nơi đây ngày một phát triển. Đến nay, toàn xã có tới hơn 740 con trâu, bò, trên 2.000 con lợn, gần 10.000 gia cầm các loại. Ngoài trồng lúa, ngô là chủ yếu như trước kia, nay bà con đã biết trồng thêm rau xanh, mía, khoai tây để cung cấp cho thị trường trong huyện. Năng suất của các loại này cho từ 100-120 tạ/ha, góp phần tạo thu nhập đáng kể cho người dân. Tận dụng những ao chuôm nhỏ, đồng thời cải tạo một số ruộng cho năng suất kém, bà con dân tộc trong xã còn phát triển thêm nghề nuôi cá nước ngọt, đưa Quảng An trở thành xã có diện tích nuôi cá nước ngọt lớn của huyện. Hiện nay, toàn xã có tới 10ha ao nuôi cho thu hoạch trong 6 tháng đầu năm 2012 trên 10 tấn với tổng thu nhập khoảng 158 triệu đồng. Ở xã đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, như: mô hình trồng nấm linh chi của gia đình anh Nguyễn Văn Nhênh, thôn Đông Thành cho thu nhập khoảng 200-300 triệu mỗi năm; hay mô hình nuôi vịt siêu trứng của gia đình anh Bùi Văn Lập, thôn Hải An cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm… Anh Bùi Văn Lập, cho biết: "Chúng tôi tự hào vì mình được sinh ra, lớn lên trên quê hương của Anh hùng Lỷ A Coỏng, bởi vậy mà ngày nay, chúng tôi luôn nghĩ mình phải có trách nhiệm cùng nhau xây dựng, đưa Quảng An ngày một phát triển".

Sự nỗ lực của người dân xã Quảng An đã giúp mảnh đất  vùng cao này "thay da đổi thịt". Đến nay, 20% trong số 1.176 hộ gia đình trong xã có cuộc sống khá giả. Năm 2011, toàn xã xoá được 273 hộ nghèo, năm 2012 này dự kiến xoá thêm 104 hộ. Đây là những thành tích mà bà con nơi đây thể hiện sự trân trọng, biết ơn những hy sinh của các thế hệ ông cha đi trước, giúp bà con được hưởng cuộc sống hoà bình, ấm no.

Thu Nguyệt



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét