Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Trần Đăng Khoa: Khi cây cối cũng biến thành tử thần


Nghe cái tên bài rùng rợn quá, bạn đọc khéo lại nghĩ, Lão Khoa chắc chán văn chương rồi, muốn chuyển sang "sản xuất" kịch bản phim kinh dị. Nhưng không! Lão đâu dám ngộ nhận. Tiếng ta thán của dân đấy!

Số là, trận bão Kaitax, bà con ta vẫn quen gọi là cơn bão số 5, vừa tràn qua Biển Đông rồi đổ vào Trung Quốc, chỉ vẹt qua Móng Cái của ta. Những năm gần đây, mưa bão rất nhiều. Nhưng chưa có trận bão nào đổ thẳng vào Hà Nội. Thủ đô của ta cũng như nhiều tỉnh ở Bác bộ, chỉ chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão. Thế mà đường phố đã thành sông. Cây đổ hàng loạt. Nhiều tuyến phố ngổn ngang, tanh bành như vừa qua một trận bom B52. Nhiều "xế hộp" đang chạy trên đường còn bị bẹp dúm vì cây đè. Thật khổ cho anh bạn trẻ lái xe cho hãng Taxi Mai Linh, đã phải bỏ lại người vợ trẻ cùng hai đứa con thơ dại rồi "ra đi" vì một cái chết "lãng xẹt", không thể tưởng tượng nổi.


Đoạn đường Lê Văn Lương, Hà Nội, kéo dài đã bất ngờ sụt lún sáng 19/8 (Ảnh vov.vn)

Giữa trung tâm Thủ đô còn xuất hiện cả hố "Tử thần". Một cung đường chính vừa mới "khánh thành" chưa được bao lâu đã bị "bẻ gẫy" vì một cái hố toang hoác đủ "nuốt" đến cả mấy cái xe tải.

Thật kinh hoàng!

Thế rồi cơ quan chức năng "vào cuộc". Tranh cãi loay hoay đến mấy ngày để tìm nguyên nhân xảy ra sự cố đáng tiếc. Cuối cùng cũng bắt được thủ phạm. Kẻ tội đồ nguy hiểm, không thể tha thứ được ấy là… Mưa bão!

Thế là… huề cả làng!

Làm sao bắt được ông… Thiên lôi ra để nghiêm trị.

Thật khổ cho "ông Thiên lôi". Khổ vì bị đổ vạ. Nhưng cũng may cho "ông", dân chúng ngày nay cũng đã khác rồi. Chẳng ai tin lời "phán quyết" trơn mòn mà đến cả trẻ con cũng không tin được. Nguyên nhân dẫn đến thảm họa ấy vẫn là cách làm ăn điêu chác. Điều này dường như đã thành hệ thống rồi. Ngay cả đường sá lộ thiên trên mặt đất, đến mấy cái cọc tiêu đường, người ta còn lấy cọc tre thay cốt thép xi măng thì làm sao tin được những công trình ngầm chìm sâu dưới lòng đất mà mắt người lại không nhìn thấy được!

Trong khi các nhà chuyên môn vẫn loay hoay muốn xác định rõ đường sụt trước làm cho cống vỡ, hay cống vỡ rồi mới dẫn đến sụt đường, thì người dân bình thường cũng đã nhận ra ngay sự thật, dù họ không phải  là người có chuyên môn. "Tất cả cũng chỉ do cẩu thả". Hệ thống thoát nước đường cống, phần đế móng làm quá tạm bợ, khi có nước chứa, ống đầy nước, sức nặng tăng lên, làm lún đất, ống sẽ bị bẻ gãy, nước rút hút theo đất cát bao quanh ống, thế là rỗng ruột tức khắc. Công trình bị phá. Đường xá bị đứt gẫy, sạt lở là điều không thể tránh khỏi. Tất cả mọi hố tử thần đều sinh ra như thế.

Tôi đồng ý hoàn toàn với một người dân, khi anh đề nghị, cần phải xem xét lại chất lượng thiết kế, kể cả khâu giám sát thi công. Ở đây còn thiếu cả những cái tối thiểu. Thứ nhất: Thiếu móng hay gối đỡ cống. Thứ hai: Chất lượng bê tông cống ly tâm không bảo đảm. Dạng cống này, trong thân cống phải có thép, vì là cống chịu lực, thường cống qua đường như thế này phải là cống có sức chịu trọng tải lớn. Ở đây, mới chỉ do sạt lở xô đẩy, cống đã vỡ vụn vì không có thép. Thứ ba: Đó là mối nối liên kết các đốt cống. Ở đây, mối nối chỉ có khoảng 5cm là không hợp lý. Đúng ra, phải sử dụng loại mối nối có ron cao su, có thể ngậm sâu đến 10cm thì may ra mới bảo đảm được sự an toàn. Do mối nối ngắn, dưới tác dụng lớn của xe cộ, sự lún không đồng đều vì không có móng, làm các mối nối hở, để nước thoát ra ngoài cống, dẫn đến sự lún sụt là điều xảy ra tất yếu.

Thêm nữa, chúng ta vẫn thiếu một cái nhìn có tính đại cục, lại không đồng bộ. Bởi thế, đi trên phố, ta luôn gặp cảnh đào đường. Ông Bưu điện đặt dây điện thoại và cáp quang. Ít tháng sau lại đào đường. Ông Cấp nước đô thị đặt ống dẫn nước. Tưởng đến thế đã là yên. Ai ngờ lại đào đường. Lần này thì ông Điện lực chuyển dây tải điện xuống hệ thống ngầm. Cứ liên miên thế, ông nọ đào ông kia. Mà ông nào cũng chỉ biết mỗi việc của mình. Vậy thì làm sao tránh được hiểm họa (!?).

Chúng ta vẫn quen tư duy theo lối nhiệm kỳ với cách làm ăn manh mún tạm bợ, miễn là có lợi ích trước mắt cho một người, hay một nhóm người, rồi hết nhiệm kỳ thì an toàn hạ cánh. Còn lại "sống chết mặc bay"! Hậu quả tội vạ thế nào đã có con cháu gánh chịu.

Với lối nghĩ như thế, cách làm ăn như thế, nên các công trình của chúng ta thường không bền vững, cho dù đó là những công trình có tính thế kỷ. Nhiều cung đường chưa kịp sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng. Cầu Thăng Long chữa đi vá lại, rồi đường hầm Thủ Thiêm rạn nứt, đập Sông Tranh bục nước. Người ta còn lấy cả rẻ rách nhét vào các lỗ rò. Nghe cứ như chuyện phiếm. Bây giờ con đập ấy đã được khắc phục. Nhưng cách làm ăn chắp nhặt vá víu như thế, liệu có bảo đảm được sự an toàn bền vững hay không?

Trở lại với Hố tử thần giữa Thủ đô Hà Nội. Tôi đồng ý với tiếng nói của rất nhiều người dân lương thiện: "Thuế của dân không thể đổ xuống sông, xuống biển, cũng không để chảy hết vào túi các nhà thầu". "Đã đến lúc phải rõ ràng, minh bạch trong mọi việc, ai làm sai, làm vô trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm, chứ không ngồi đổ lỗi cho nhau, để rồi cuối cùng, dân vẫn phải gánh chịu thiệt hại. Cần xử lý nghiêm khắc để chấn chỉnh cho việc tiến hành xây dựng các công trình lớn về sau. Chỉ mới ảnh hưởng hoàn lưu bão mà đã như thế, nếu có bão đổ vào thực sự, hay lớn hơn, nếu xẩy ra động đất thì sẽ ra sao? Không thể hình dung nổi thảm họa sẽ khủng khiếp như thế nào?

Thảm họa không phải chỉ đến từ thiên nhiên, mà đến từ sự cẩu thả, vô trách nhiệm đối với cộng đồng của một người hay một nhóm người. Còn bao nhiêu những hố tử thần vẫn đang mai phục dưới mặt đường kia? Nên yêu cầu các bên, từ thiết kế đến thi công, phải chịu mọi tổn thất và bỏ ra kinh phí để xây dựng lại chứ không thể cấp thêm bất cứ đồng vốn nào. Tiền của dân không phải là vỏ hến. Ngay cả người được trao quyền nghiệm thu cung đường đó cũng phải chịu trách nhiệm về sự cố này.

Còn vụ cây đổ, đè bẹp hàng loạt xe cộ, dẫn đến cái chết tang thương của một tài xế Taxi thì ai chịu trách nhiệm? Chẳng lẽ Công ty cây xanh của Thành phố không có chút liên quan? Nếu vừa rồi, bão lớn thực sự đổ vào thành phố thì thảm họa sẽ như thế nào? Thật không thể hình dung được! Hầu hết các cây lớn đổ trên các tuyến phố vừa rồi đều là xà cừ. Loại cây lớn, nhưng lại có rễ chùm, độ bám đất không sâu, vì thế, không cây nào có thể tồn tại được khi có gió lớn. Vậy có nên để loại cây ấy trên những đường phố có đông dân cư không?

Chẳng phải ngẫu nhiên, một ký giả đã phải kêu lên một cách đắng đót: "Tử thần ở đâu ư? Tử thần vẫn chờ ta, đứng đầy cả ở hai bên đường. Đi giữa thành phố Hòa bình mà cứ thấy nơm nớp…"

Ở các nước văn minh, thường luật pháp rất nghiêm ngặt. Vứt mẩu thuốc lá xuống đường cũng bị phạt đến mấy trăm đô la. Chỉ một vụ đổ tàu, một cây cầu bị sập, người chịu trách nhiệm ngành đó, thậm chí cả ở cấp cao hơn có liên quan cũng đã tự làm đơn từ chức. Ngay cả khi sự cố xảy ra, người chịu trách nhiệm đã chuyển công tác khác, kể cả người đã về hưu rồi cũng vẫn phải hầu tòa. Ta hiểu vì sao có những vị Tổng thống, quyền thế lẫy lừng, mà đến lúc nghỉ rồi còn phải ra đứng trước vành móng ngựa. Khi đã làm làm điều ác, có tội với dân, thì sẽ không còn được yên thân, cũng không còn chốn an toàn nào để mà "hạ cánh"

Bao giờ chúng ta mới tới được một nếp sống văn minh như thế?

Cần lấy lại niềm tin của nhân dân. Không thể khác. Bởi mất niềm tin là mất hết. Đó mới chính là một thảm họa khó lường./.


Trần Đăng Khoa


  • Nguyễn Vũ
    8/28/2012 9:19:05 PM

    Báo Nhân dân hàng tháng cũng vừa in một bài viết rất hay của TĐK về Trường sa. Tôi thật sự đã khóc khi đọc bài viết hấy. Một người lính đã qua trận mạc, ở cái tuổi 70, tưởng đã trơ lỳ, không còn nước mắt nữa, nhưng thực sự tôi đã không cầm được lòng mình khi đọc TĐK. Anh Khoa cũng là tác giả của hàng loạt bài viết rất có trách nhiệm trên VOV.vn. Đây là một con người rất đáng kính trọng và đi được rất bền. Nhiều người xuất hiện cùng thời với Khoa (những tác giả người lớn, chứ không phải trẻ con, tôi không tính trẻ con, vì trẻ con chỉ có một Khoa là đích thực, anh Phạm Khải gọi là Thần đồng thứ thiệt là rất đúng) nhưng đến nay chỉ có mỗi Khoa là còn đáng đọc. Tất nhiên ông này cũng bị phân tán ra quá nhiều thể loại, dù đọc vẫn thích nhưng cái tài của anh có phần bị xé lẻ, pha loãng ra. Nếu Khoa cô đặc trong một thể loại, hoặc thơ, hoặc văn xuôi, tôi tin anh sẽ có những đóng góp đích đáng hơn. Đây cũng là đặc tính của Nguyễn Đình Thi, cứ xé mình ra thành ra ánh sáng bị phân tán. Không hiểu sao, tôi vẫn cứ thấy tiếc.

  • XUAN BINH
    8/28/2012 2:57:00 PM

    Anh Khoa và VOV Tôi có đọc bài viết của anh trên Nhân dân hàng tháng vừa mới phát hành:Lính và tướng-quyền đảo Trường Sa. Trong đó anh có dẫn lại ý kiến đề xuất “ở TP HCM, ngoài đường Trường Sa, nên có một con đường mang tên Giáp Văn Cương”.Thưa anh, tôi xin thông báo để anh và bà con biết: Tại TP Đà Nẵng,tên của Thượng tướng Giáp Văn Cương đã được dùng để đặt tên cho một con đường ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, dài gần 1.000 mét, chạy song song với đường Nguyễn Tất Thành-một con đường lớn chạy ven biển từ Nam Ô đến cầu Thuận Phước, ôm lấy vịnh Đà Nẵng. Nếu có dịp vào ĐN, tôi sẽ đưa anh đi trên con đường mang tên vị Tướng mà anh từng gắn bó và yêu quý. Đồng ý nhé? Xin chào anh ĐT:0982520018-Bình

  • maghite
    8/28/2012 2:45:08 PM

    Bao giờ chúng ta mới tới được nếp sống văn minh như thế!

  • Vũ Khánh Lan
    8/28/2012 9:12:29 AM

    Những người có tâm, có tài, có tầm, có uy tín để “hô” lên một tiếng thì nhiều người nghe và tin như Lão Khoa, Nhà Sử học Quốc, tướng Thước,… không phải là nhiều lắm, xin các bác hãy là chất xúc tác cho những phản ứng xã hội tích cực nhằm tạo thêm một mũi giáp công là “công luận’, cùng Đảng sáng suốt kiên trung công phá vào thành trì của các nhóm lợi ích đang hại dân hại nước!

    Xin nhắn thêm một thông tin nữa đến với Lão Khoa: ở Malaysia, ngoài rất nhiều công trình phúc lợi công cộng hữu hiệu và hiện đại, người ta đã thành công khi làm một hệ thống đường hầm khổng lồ trong lòng đất ở Thủ đô Kualalumpua. Để khi bình thường, hệ thống này thành một hệ thống giao thông 2 tầng cho xe cộ; khi lũ lụt, họ cho ngừng giao thông để biến hệ thống này thành một bể chứa nước khổng lồ bảo đảm cho thủ đô của họ không bị ngập như Hà Nội và tp,HCM ta.

    Nhưng phải thấy rằng nếu Hà Nội ta có tiền để làm hệ thống này thì với cung cách làm ăn hiện nay thì cũng không làm nổi.Vấn đề chính vẫn là vấn đề về con người thôi Lão Khoa à!

  • Vũ Dũng Minh
    8/27/2012 8:50:20 PM

    Cám ơn VOV luôn cập nhật những vấn đề nổi cộm. Bài viết rất hay và rất đúng. Tôi bắt đầu nhìn TĐK bằng con mắt khác, sau một loạt bài viết, sắc sảo, sâu sắc và đầy tính xây dựng ở một người có tầm nhìn và có trách nhiệm với nhân dân, với đất nước và với đời sống. Mong VOV có nhiều cây bút như TĐK

  • Nguyễn Tấn Thành
    8/27/2012 8:45:00 PM

    Chào Anh Khoa và VOV Cảm ơn bài viết của anh. Tiếc thay mỗi khi có khi cố thì chỉ nghe câu rất quen ” xin nhận trách nhiệm” nhưng cụ thể trách nhiệm xử lý ra sao? bồi thường vật chất? hay là cách chức? vv…thì rất hiếm thấy.

  • tttuongmt
    8/27/2012 8:42:14 PM

    Thật buồn khi cư dân cũng chỉ biết đọc bài viết đầy tâm huyết của anh TĐK và chờ đợi bởi các nhà chuyên môn, các nhà quản lý bận trăm công ngàn việc lớn nên chẳng thể ôm xuể những vấn đề tưởng chừng như hết sức giản đơn như cây đổ, cống vỡ, sập đường,… “Cần lấy lại niềm tin của nhân dân. Không thể khác” – Quả thật đây là vấn đề cấp thiết!

  • Trần Thị Hồng Hạnh
    8/27/2012 8:38:36 PM

    Sang thăm vov và đoc, chia sẻ về vấn đề Hố tử thần, ấy là chưa kể dây điện đi xuyên qua mái nhà và hộp đầu mối điện ở dưới mực nước ngập… Nguyên nhân tai nạn, cái chết được tính chung vào thiệt hại do ..mua bão.

  • GS.NGND Nguyễn Lân Dũng
    8/27/2012 8:36:05 PM

    Bài viết hay lắm, thật hiếm có người viết được như Lão Khoa đấy.

  • Lưu Công Kiểm
    8/27/2012 2:35:47 PM

    bác Khoa viết thật đúng , thật sâu sắc

  • tomy
    8/27/2012 9:51:46 AM

    Em đồng ý cả hai tay với bác Khoa. Bác c]s nh]s nằm trong gan, ruột mọi người, ai cũng biết mà chả nói ra được. Cảm ơn bác!

  • Nguyễn Hoàng Anh
    8/27/2012 9:10:38 AM

    Cảm ơn nhà báo đã viết một bài báo đánh thẳng vào căn bệnh mà ai cũng biết từ lâu, nhưng chẳng ai dám nói, có nói cũng chỉ có dân nghe. Còn thì cách làm vẫn thế thậm chí càng ngay càng trắng trợn và xem thường pháp luật.

  • Phạm Hồng Phấn
    8/27/2012 8:46:13 AM

    Bài viết quá hay và vô cùng chính xác!Phải thế chứ, dân ta phải đưa ra chính kiến của mình. Chẳng những vì tương lai của chúng ta mà còn vì tương lai con cháu chúng ta sau này nữa.Và khi đó, tôi nghĩ,dân ta cần phải đưa thông tin này lên thông tin đại chúng để cho tất cả người dân được biết, cùng nhau bình luận.Và trong mỗi kỳ họp quốc hội thì vấn đề này sẽ luôn được đưa ra, đến khi nào tìm được phương án giải quyết thỏa đáng mới thôi.

  • Thanh Tâm
    8/27/2012 8:36:22 AM

    Chúng tôi rất đồng tình với bài  của Trần Đăng Khoa, đề nghị các nhà lãnh đạo cấp cao của chính phủ hết lòng vì đất nước, cần cho tổ chức điều tra chất lượng công trình giao thông, xử lí nghiêm minh, không kể là “ai”, Nhân dân ủng hộ, ghi danh muôn đời, cám ơn!

  • luong ba thuc
    8/27/2012 8:10:27 AM

    Lão Khoa ơi, không biết mấy người đọc bài của lão hé ? Tôi đề xuất thế này lão xem có được không (Vì tiếng nói của đài) lão cứ gửi bài cả hai nơi: một lên blog, một gửi trực tiếp lên các vị lãnh đạo. Nói thật ví lão có những lúc tôi định hứa với lòng mình là không đọc báo, không nghe đài, không ti vi để cho con người tôi khỏi ấm ức vì ta nghe nhiều. Chuyện hố tử thần trên đường Lê Văn Lương nghe kết luận lãng xẹt “đường hư do mưa bão” bác biết không, trong các hợp đồng giữa A và B bao giờ cũng có điều khoản bất khả kháng đó bác Khoa ạ, bão là bất khả kháng và đường làm ra là để đi mùa nắng, mưa thì mọi người ở nhà nên người ta không tính đến thủy lực, thủy văn, cơ học đất, nền móng, tải trọng, mấy môn đó học để biết thôi. Cũng như hầm thủ thiêm, đập sông tranh… nứt là do khi đổ bê tông nắng to quá. Định đàm đạo với bác nhiều nhưng mà thôi vì tự nhiên thấy sao mà sinh ga po người ta tài thế, có cả một sinh ga po thứ hai nằm sâu dưới lòng đất mà không một giọt nước nào thấm vậy mà mình mới có cái hầm thủ thiêm bằng cái móng tay lại thấm, nứt

  • cao nguyên
    8/27/2012 7:20:48 AM

    Anh Khoa thật tuyệt vời, chỉ một bài viết ngắn mà đã nêu đầy đủ mọi khía cạnh của sự việc. Rất mong có nhiều người nói thẳng, nói thật như anh Khoa và Mong rằng lãnh đạo của những đon vị được anh Khoa nêu tên trong bài viết dũng cảm nhận sai sót để sửa chữa khuyết điểm và không hổ thẹn khi sử dụng đồng tiền đóng thuế của người dân.

  • Vũ Quỳnh Hưng
    8/27/2012 6:40:42 AM

    Hoan nghênh VOV đã có một tiếng nói tích cực, đích đáng về lối làm ăn tắc trách của nhà thầu và các cơ quan chức năng. Tôi đồng ý hoàn toàn với cách phân tích dẫn giải của Trần Đăng Khoa. Anh là nhà thơ, nhưng bàn luận về vấn đề cầu đường như một kỹ sư cầu đường vậy. Cần chấm dứtnạn chạy thầu, nạn phong bì. Tiền phong bì rải suốt như thế thì còn tiền đâu chi phí cho sản xuất. Gãy đường là tất yếu. May không có người chết là phúc đức rồi. May mà có mưa gió. Cháy nhà mới ra… Cám ơn VOV và nhà thơ Khoa

  • Nguyễn Lâm Cẩn
    8/27/2012 6:33:11 AM

    Hải phòng có anh nhà thơ đi làm thuê cho ông chủ làm đường.Làm mấy tháng bỏ về vì sợ tội đổ lên đầu.Cậu ta kể chuyện làm đường dối gian nghe mà “vui” tai.Họ lắm kế rút tiền công trình.Họ bảo không làm thế thì lấy tiền đâu ra cho vào phong bì chỗ này, chỗ kia.Cái hố to nhất là hố tham và lãng phí không lấp được thì đường còn sụt và không quy được cho ai.

  • Thủy hn
    8/27/2012 6:31:36 AM

    Chào anh Khoa và VOV, Vợ chồng em vừa xem chương trình Discovery nói về Malaysia xử lý tháp đôi của họ bị nghiêng. Các kỹ sư và công nhân của họ làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm và sáng tạo đến không ngờ. Giá như nước mình cũng có được đội ngũ kỹ sư và công nhân như thế!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét