Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Giao, quản lý đất nông nghiệp: Để thực sự là động lực cho sản xuất lớn


Thời gian qua việc thực hiện giao đất nông nghiệp theo Nghị định số 64/CP cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài đã tạo nền tảng vững chắc cho phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo chủ trương sửa đổi Luật Đất đai tới đây của Quốc hội, sẽ nâng thời hạn giao đất nông nghiệp lên 50 năm. Như vậy động lực mới cho nông nghiệp phát triển càng được củng cố. Tuy nhiên, để việc quản lý và sử dụng đất đai một cách hiệu quả, nhất là đất cho sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình và cá nhân sau khi được giao đang cần có rất nhiều những giải pháp đồng bộ khác.

Những bất cập của thực tiễn

Năm 1993, cũng như các địa phương khác trong toàn tỉnh, huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên) thực hiện đo đạc bản đồ địa chính, giao, cấp đất nông nghiệp cho các hộ gia đình quản lý, sử dụng. Và đến nay sau 20 năm với sự phát triển về kinh tế -xã hội, những vận động của đời sống việc sử dụng đất đai trên địa bàn, nhất là đất nông nghiệp đã có sự thay đổi rất nhiều. Xu thế phát triển từ một huyện thuần nông tái lập lại thành đô thị, 10 xã được chuyển đổi thành phường nên nhu cầu, mục đích sử dụng đất đai đã có biến đổi rất lớn, nhất là đất sản xuất nông nghiệp sẽ buộc phải thu hẹp lại để phục vụ cho các mục đích sử dụng khác. Tình hình thực tế luôn biến động nhưng thị xã vẫn đang sử dụng bản đồ địa chính, những con số của giao, cấp đất nông nghiệp của năm 1993, chính vì vậy việc chỉnh lý, quản lý về đất đai rất khó khăn. Ở vào thời điểm này Quảng Yên đang rất cần được đo đạc lại để cấp mới, cấp đổi giấy CNQSDĐ làm cơ sở dữ liệu địa chính để quản lý lâu dài.

Câu chuyện của Quảng Yên chỉ là đại diện của các địa phương khác trong toàn tỉnh, bởi hơn 20 năm trước Nghị định 64 của Chính phủ ra đời, UBND tỉnh đã có hẳn một kế hoạch triển khai thực hiện giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình sử dụng lâu dài vào sản xuất nông nghiệp. Theo đó, sau khi giao đất ổn định lâu dài cho các hộ nông dân trên cơ sở phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt các địa phương lập hồ sơ địa chính theo hướng dẫn của ngành quản lý đất đai. Đặc biệt người được giao ruộng đất để sản xuất ổn định lâu dài được UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sử dụng đất đúng mục đích. Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường việc triển khai giao đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân theo Nghị định 64/CP được triển khai từ năm 1993, đến năm 1998 đã cơ bản hoàn thành. Số hộ được giao đất nông nghiệp là 82.605 hộ với diện tích 28.573ha, trong đó số hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 81.779, đạt 99%. Đến nay, kết quả rà soát đất nông nghiệp giao 20 năm cho hộ gia đình, cá nhân đến thời điểm hết năm 2011 của các địa phương còn 31.476ha (trong đó đất trồng cây hàng năm là 25.657ha; đất nuôi trồng thuỷ sản 5.819ha). Tổng số hộ được giao đất là 99.229ha. Bên cạnh đó, nhằm phục vụ chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp, công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng ngày càng đi vào thực chất, góp phần quan trọng vào việc sử dụng đất nói chung và đất sản xuất nông nghiệp nói riêng.

Cơ giới hoá trong làm đất ở xã Bình Khê (Đông Triều). Ảnh: Thanh Tùng
Cơ giới hoá trong làm đất ở xã Bình Khê (Đông Triều). Ảnh: Thanh Tùng

Tuy nhiên, do việc giao đất cho các hộ còn nhiều vướng mắc như ruộng đất bị phân chia manh mún, chưa tạo ra những vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá lớn. Tại một số địa phương đã thực hiện "dồn điền, đổi thửa", quy hoạch lại đồng ruộng, hiện trạng sử dụng đất có nhiều thay đổi phải cấp mới hoặc cấp đổi giấy CNQSDĐ. Mặt khác, trong vận hành của nền kinh tế thị trường sản xuất hàng hoá ngày càng phát triển, đất đai biến động nhiều, nhu cầu về việc đo đạc lại bản đồ đã biến động quá nhiều so với thực địa tại một số địa phương. Đó là chưa kể đến những bất cập trong công tác dự báo nhu cầu quỹ đất cho phát triển các ngành, các lĩnh vực khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như chưa sát thực tế, dẫn tới tình trạng vừa thiếu lại vừa thừa quỹ đất. Một số địa phương chưa thực hiện đúng chủ trương sử dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa nước, cho nên xảy ra tình trạng quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp trên đất sản xuất nông nghiệp có năng suất cao, trong khi ở địa phương vẫn còn nhiều quỹ đất khác. Công tác quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau khi phê duyệt tại nhiều địa phương chưa được coi trọng trong khâu thực hiện. Việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt còn mang tính hình thức, quyền lợi người sử dụng đất trong phạm vi quy hoạch ở một số nơi còn bị vi phạm, chẳng hạn như không cấp giấy chứng nhận, không được sửa chữa nhà cửa… gây nhiều bức xúc cho người dân. Nhiều nơi còn để tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép mà vẫn không bị xử lý. Thêm vào đó, tình hình sử dụng đất trồng lúa vào các dự án phi nông nghiệp tại một số dự án, tiến độ công tác bồi thường GPMB chậm, hiệu quả chưa cao. Từ đó, gây khó khăn, phức tạp và làm tăng chi phí bồi thường, GPMB khi thu hồi đất.

Cần giao hạn mức ổn định, lâu dài

Ruộng đất luôn luôn là vấn đề lớn đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, theo phân tích của các chuyên gia giao đất càng dài thì sự ổn định hiệu quả của đầu tư nông nghiệp càng cao, cả về hạ tầng thuỷ lợi, điện, đường, đầu tư sản xuất và nhà đầu tư sẽ càng yên tâm đầu tư. Và những chính sách, cách làm về đất đai hiện nay như dồn điền, đổi thửa hay cánh đồng mẫu lớn chỉ là sáng kiến, cách làm, bởi chúng ta vẫn thiếu một chiến lược tổng thể về đất đai. Tại buổi trả lời chất vấn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, đối với vấn đề hạn mức, sẽ nới lỏng hạn mức chuyển nhượng theo hướng tăng gấp 3-4 lần so với hiện tại.

Đối với tỉnh Quảng Ninh để khắc phục những bất cập, tồn tại trên theo đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì, tỉnh đã kiến nghị với Trung ương sửa Luật Đất đai, trong đó có nội dung về sửa đổi thời gian giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo hướng ổn định lâu dài. Bên cạnh đó, sửa đổi phương pháp quy định tính giá đất ở trung bình khu vực có đất bị thu hồi nên thống nhất một mức trên địa bàn từng huyện (hiện tại tính theo từng dự án dẫn đến người dân so sánh các dự án cạnh nhau nhưng mức hỗ trợ khác nhau, không đồng tình và thường dẫn đến khiếu kiện). Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện việc "dồn điền, đổi thửa", tăng cường xây dựng "cánh đồng mẫu" vừa hiện đại hoá ngành nông nghiệp, vừa nâng cao năng suất hàng hoá nông sản. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp giúp nông dân nhanh chóng thoát nghèo, ổn định cuộc sống bền vững.

Thực tế, thời hạn giao đất 20 năm thời gian qua cho thấy các hộ gia đình nông dân căn cơ với nghề nông bắt đầu thấy thời hạn sử dụng đất ngắn lại và đi dần đến thời điểm hết hạn. Động lực suy giảm dần vì người sử dụng đất không yên tâm tập trung đất đai, phát triển kinh tế trang trại, đầu tư dài hạn. Từ một khía cạnh khác, nhiều người từ khu vực nông thôn có đất sản xuất nông nghiệp được giao, đã chuyển sang làm việc tại khu vực phi nông nghiệp nhưng vẫn giữ đất bỏ hoang hoặc cho người khác thuê. Do đó, theo chủ trương sửa đổi Luật Đất đai của Quốc hội tới đây sẽ nâng thời hạn giao đất nông nghiệp lên 50 năm. Vì vậy, việc giao đất với thời hạn 50 năm sẽ giúp nông dân an tâm đầu tư, phát triển sản xuất cũng như tránh các hậu quả bất ổn về mặt kinh tế – xã hội, tạo "cú hích" trong đầu tư nông nghiệp.

Hiểu Trân



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét