Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Những tâm sự tự hào quê hương


Dù sinh ra và trưởng thành ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, ở nhiều vùng quê khác nhau, nhưng hàng năm cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 là niềm cảm xúc lại trào dâng trong họ. Nhờ ơn Đảng, ơn Bác cuộc đời họ đã bước sang một trang mới và mảnh đất nơi họ sinh sống cũng đang đổi thay từng ngày.

Ông Vũ Đức Hoàn, Chủ tịch UBND phường Hà An (TX Quảng Yên): "Lịch sử vẻ vang của quê hương đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi"


 

Sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2000); Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2008), chúng tôi rất tự hào về truyền thống hào hùng của các lớp thế hệ cha anh đi trước. Có thể nói, chính lịch sử vẻ vang của quê hương đã tiếp thêm sức mạnh cho lớp thế hệ trẻ chúng tôi phấn đấu vươn lên và trưởng thành như ngày hôm nay. Hiện nay, với cương vị là Chủ tịch UBND phường, tôi thấy mình càng phải nỗ lực hơn nữa để cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đưa Hà An phát triển toàn diện trên các mặt kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn.

Có thể khẳng định, trong những năm gần đây Hà An có bước phát triển mạnh mẽ, bộ mặt nông thôn mới đang ngày càng hiện hữu. Nhân dân tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ vận tải thuỷ, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản và phát triển kinh tế trang trại theo hướng công nghiệp. Điển hình như dự án chuyển diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản cho thu nhập hơn 60 triệu đồng/ha, gấp 10 lần cấy lúa. Dự án này đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho gần 200 lao động. Hiện nay công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, dịch vụ vận tải, du lịch của phường đã chiếm tỷ trọng chính (83%) và Hà An là phường đầu tiên của TX Quảng Yên đạt được cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ, thương mại – nông nghiệp theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIX đề ra. Do vậy tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của địa phương đạt 20%/năm. Hệ thống giao thông từng bước được đầu tư phục vụ kịp thời nhu cầu đi lại của người dân; các thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân từng bước được nâng cao. Hiện nay toàn phường có gần 4.500 máy điện thoại (bình quân 53 máy/100 dân); 45% số hộ có nhà xây cao tầng. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 35 triệu đồng/người/năm. Số hộ khá và giàu của phường đạt 73% (1.440 hộ); hộ trung bình 36% (827 hộ); hộ nghèo 1,06% ( 24 hộ).

Đặc biệt, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, Hà An đã vận động các hộ dân hiến đất, góp đất, đổi đất với 16.000m2 để mở rộng đường liên thôn, liên xóm; đường nội đồng, kênh mương; công trình nước sạch; nhà văn hoá thôn… Không chỉ hiến đất, nhân dân còn tự nguyện đóng góp hơn 2 tỷ đồng để bê tông hoá 30 ngõ xóm với tổng chiều dài 4.840m. Toàn phường đã xây dựng mới 80 nhà vệ sinh, chỉnh trang khu dân cư trung tâm xã gắn với phong trào "5 không 3 sạch" do Hội Phụ nữ phát động. Qua tiến hành rà soát, đối chiếu với tiêu chí theo quy chuẩn của Chính phủ, BCĐ xây dựng nông thôn mới của phường thấy rằng Hà An đã đạt 16/19 tiêu chí, bằng 84,2%.

Để có được kết quả đó, Đảng bộ và chính quyền phường Hà An đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho nông dân địa phương. Hàng năm phường đều phối hợp với các trường, trung tâm dạy nghề của tỉnh mở các lớp đào tạo về thuyền trưởng, máy trưởng, thuỷ thủ tàu sông, cơ khí gò hàn, đóng tàu gỗ truyền thống, nấu ăn… Qua thống kê, hiện trên địa bàn phường có trên 52% số lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo nghề, do vậy đa phần họ đều có cơ hội tìm kiếm việc làm ngay trên quê hương mình hay ở các địa bàn khác với thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, việc khuyến khích các dòng họ, chi hội khuyến học tổ chức khen thưởng, động viên các cháu học sinh đạt thành tích cao trong học tập được chú trọng, đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua học tập ngay trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Trong 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm có 30 cháu thi đỗ vào các trường đại học; hàng trăm cháu theo học các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Đây chính là lực lượng nòng cốt đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng quê hương của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Ông Đặng Văn Sơn, Bí thư Đảng bộ xã Quảng Sơn (Hải Hà): "Quảng Sơn đang từng bước tiến kịp với miền xuôi"


 

Khi nói về sự đổi thay của địa phương, ông Đặng Văn Sơn, Bí thư Đảng bộ xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà khẳng định chắc nịch: "Với đà phát triển như hiện nay, Quảng Sơn đang từng bước tiến kịp với miền xuôi, cuộc sống của người dân ngày một "thay da đổi thịt". Bởi xã có 770 hộ dân với trên 4.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc nhưng thời gian qua, thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về xây dựng phát triển nông thôn mới, Quảng Sơn đang từng bước vươn lên, diện mạo thôn bản ngày một đổi thay.

Có thể nói sự đổi thay lớn nhất của xã chính là cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước. Trước đây con đường vào xã quanh co, khúc khuỷ, đường đất lổn nhổn sỏi đá, phương tiện đi lại của bà con chủ yếu là xe đạp. Nhưng nay con đường từ thị trấn vào tới thôn Pạc Sủi, Mè Nháu dài khoảng 27km đã được đổ bê tông bằng phẳng; đường liên thôn Tài Chi, Pạc Sủi, Mè Nháu cũng đã được bê tông hoá, xe ô tô đi lại thuận tiện. Hiện xã có 12 thôn, bản thì tất cả các thôn đều đã có nhà văn hoá. Xã có 2 trường tiểu học, 1 trường THCS, 1 trường mầm non với 8 phân hiệu đã tạo điều kiện cho các cháu được học tập, chăm sóc chu đáo. Điều mà người dân Quảng Sơn tự hào nhất là 100% trẻ em độ tuổi đến trường đều được đi học, hàng năm xã đều có học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng…

Trước đây, đời sống người dân Quảng Sơn còn gặp nhiều khó khăn do giao thông không thuận tiện, điện, nước chưa tới được nên đời sống tinh thần của bà con nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng hiện nay 80% dân số của xã đã được dùng điện, gia đình nào cũng có ti vi, nhiều gia đình có xe máy, một số hộ còn sắm được cả máy tuốt lúa. Nhiều thôn, bản đã được dùng nước sạch từ dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn, 100% người dân Quảng Sơn đều có thẻ bảo hiểm y tế, hàng năm đều được khám sức khoẻ định kỳ, trẻ em được tiêm phòng đầy đủ. Đời sống ngày một đổi thay nên nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, bà con đã xoá bỏ nhiều tập tục lạc hậu, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả và kinh tế.

Thực hiện phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, lãnh đạo xã đã chỉ đạo từng thôn, bản tích cực vận động người dân đổi mới phương thức sản xuất, tập trung xoá đói giảm nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Theo đó, nhiều chương trình phát triển kinh tế được triển khai như mô hình trồng cây keo phủ xanh đất trống đồi trọc, mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản đã được bà con hăng hái tham gia.

Có thể nói đời sống của người dân Quảng Sơn được như ngày hôm nay là nhờ có Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm lo. Mặc dù hiện nay xã vẫn còn một số hộ nghèo, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện và chính quyền, nhân dân Quảng Sơn chúng tôi quyết tâm đồng lòng vượt khó, vươn lên xây dựng quê hương, bản làng ngày càng phát triển, đổi mới.

Ông Nguyễn Duy Nhã, tổ 2, khu 5, phường Hà Lầm (TP Hạ Long): "Quảng Ninh đã đổi thay toàn diện"


 

Năm 1952, khi chưa tròn 15 tuổi, anh thanh niên Nguyễn Duy Nhã đã tạm biệt gia đình, tạm biệt thành phố Hoa phượng đỏ theo đoàn quân tham gia chiến dịch Tây Bắc, sau đó lại cùng đơn vị (Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 50, Quân khu Tả ngạn) đến tiếp quản khu mỏ. Năm 1959, ông chuyển ngành về mỏ Than Hà Lầm (nay là Công ty CP Than Hà Lầm) làm thợ lò. Sau gần chục năm làm thợ chống cuốc, ông được điều chuyển sang làm công tác thi đua, rồi làm công tác Đảng. Ở bất cứ cương vị công tác nào ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 1990, ông được nghỉ chế độ và lại tích cực tham gia các hoạt động ở tổ dân, khu phố. Có thể nói, với 74 tuổi đời, 52 tuổi Đảng, ông Nguyễn Duy Nhã luôn là tấm gương sáng về đức tính liêm khiết, tinh thần ham học hỏi và gương mẫu tham gia các phong trào của địa phương nơi gia đình cư trú.

Ông Nhã tâm sự: Mặc dù không sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh nhưng vùng Mỏ lại là nơi tôi chọn để lập nghiệp và an hưởng tuổi già. Tôi thấy mình thật hạnh phúc và tự hào là công dân của tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay các con tôi cũng đã tiếp bước cha anh, đều trưởng thành trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Được biết, hiện ông Nhã có 7 người con (4 trai, 3 gái) và 5 người con dâu, rể  làm việc trong ngành Than.  

Trong ký ức của ông Nhã: "Không riêng gì khu vực Hà Lầm, mà cả vùng than Hòn Gai ngày xưa nghèo lắm, chỉ có những dãy lán, những ngôi nhà lụp xụp, tất cả đi lại trên các con đường mòn, đồi dốc khúc khuỷu. Ngay khu vực tổ 2, khu 5 này ngày xưa cũng là rừng thông, rừng lim, các nhà dân ở cách xa nhau, đường đi là những lối mòn rộng vài chục phân". Vậy mà trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có sự đổi thay toàn diện, nền kinh tế có bước phát triển mạnh mẽ, an ninh chính trị luôn ổn định, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đặc biệt, TP Hạ Long có tốc độ phát triển khá nhanh, hàng loạt các khu đô thị mới như: Khu đô thị Cột 5 – Cột 8; khu đô thị Cao Xanh – Hà Khánh A, B, C, D; khu Vựng Đâng; Hùng Thắng… được đầu tư xây dựng không chỉ tạo thêm quỹ đất đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn góp phần đưa Hạ Long xứng tầm là địa bàn trọng điểm của tỉnh.

Ông Nhã tâm sự: Ngay tại khu 5, phường Hà Lầm nơi gia đình tôi sinh sống cũng đã đổi thay toàn diện, từ sự ăn, ở đến đời sống văn hoá, tinh thần. Trình độ dân trí ngày càng nâng cao, các tệ nạn xã hội đã giảm đáng kể. Hiện nay tất cả các đường vào tận ngõ xóm đều đã đổ bê tông, hệ thống điện đường chiếu sáng được đưa tới các ngõ, vừa đảm bảo an toàn vừa thuận lợi cho nhân dân đi lại. Cuộc sống của bà con trong khu cũng ngày càng được nâng cao, nhiều nhà xây kiên cố, nhà cao tầng được khởi công xây mới mỗi năm. Các hộ dân đều có phương tiện nghe, nhìn; mỗi nhà có vài chiếc xe máy làm phương tiện đi lại hàng ngày. Nhiều gia đình trước đây thuộc diện hộ nghèo, nhưng nay con cái trưởng thành có công ăn việc làm ổn định đã thoát nghèo và còn xây được nhà kiên cố. Hiện nay khu 5 có gần 500 hộ dân nhưng số hộ nghèo còn rất ít (13 hộ) đã thể hiện sự quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương trong sự nghiệp phát triển chung của thành phố, của tỉnh và đất nước.

Thu Hằng – Đặng Nhung



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét