Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Nghề đóng tàu ở Hà An cần có hướng đi mới


Nghề đóng tàu ở phường Hà An (TX Quảng Yên) đã có lịch sử cả trăm năm, khởi nguồn chủ yếu là đóng tàu vỏ gỗ đánh cá nhỏ.  Từ năm 1991 trở lại đây, nhiều doanh nghiệp tư nhân ra đời và thúc đẩy ngành đóng tàu của địa phương phát triển. Sản phẩm làm nên thương hiệu đóng tàu ở Hà An cho đến nay vẫn là tàu vỏ gỗ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, do tác động từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có lẽ đã đến lúc nghề này cần một hướng đi mới phù hợp hơn nếu không muốn bị đào thải…

Lao đao vì thiếu đơn hàng

Chỉ cách đây vài năm, vào thời hoàng kim, các xưởng đóng tàu ở phường Hà An thu hút trên 2.000 lao động; trung bình mỗi năm xuất xưởng vài trăm tàu thuyền vỏ gỗ; thu ngân sách từ hoạt động đóng tàu chiếm khoảng 80% tổng thu từ các ngành nghề trên địa bàn phường. Thế nhưng đến Hà An những ngày này, không khí lao động sản xuất với hàng ngàn công nhân ngày ấy đã không còn. Đi đến đâu cũng chỉ nghe doanh nghiệp than thở về khó khăn, gánh nặng do thiếu đơn hàng.  Ước tính, tổng số công nhân đóng tàu tại các xưởng tàu hiện nay cũng chỉ từ 400-500 người. Tần suất hoạt động của các xưởng cũng giảm đi đáng kể, xưởng nào hoạt động tốt thì duy trì 50-70 lao động thường xuyên. Còn lại, đa phần các xưởng chỉ còn khoảng 30-40 lao động làm việc. Được biết, tình trạng khan hiếm đơn hàng đóng mới tàu hiện nay là tình trạng chung của hầu hết các xưởng tàu trên địa bàn phường Hà An. Đáng chú ý từ giữa tháng 4-2012, khi tỉnh có quyết định chấm dứt sử dụng tàu vỏ gỗ hoạt động trên Vịnh Hạ Long thì các đơn hàng đóng tàu vỏ gỗ đều đã bị huỷ bỏ hết. Điều này càng khiến các doanh nghiệp đóng tàu thêm khó khăn. Hàng trăm lao động đóng tàu ở địa phương đang thấp thỏm từng ngày vì nguy cơ mất việc.

Mặt bằng đóng tàu hiện nay ở các xưởng tàu phường Hà An rất hẹp khó đáp ứng được theo yêu cầu đơn hàng. (Ảnh chụp tại Xí nghiệp Đóng tàu, vận tải Thành An).
Mặt bằng đóng tàu hiện nay ở các xưởng tàu phường Hà An rất hẹp khó đáp ứng được theo yêu cầu đơn hàng. (Ảnh chụp tại Xí nghiệp Đóng tàu, vận tải Thành An).

Tại Xí nghiệp Đóng tàu Vận tải Thành An – một trong những xưởng đóng tàu được đánh giá là hoạt động khá tốt cũng chỉ duy trì được công việc cho 40 công nhân. Trên mặt bằng của Xí nghiệp chỉ có 2 con tàu, trong đó, có một đơn hàng đóng mới tàu vỏ sắt du lịch đang đi vào giai đoạn hoàn thiện; một là đơn hàng sửa chữa tàu. Ông Bùi Huy Tập, Giám đốc Xí nghiệp than thở: Từ năm 2011, hoạt động của Xí nghiệp đã có phần chững lại, tuy nhiên, bước sang năm 2012 mới thực sự khó khăn. Đơn hàng rất khan hiểm. Từ đầu năm đến nay chúng tôi mới chỉ nhận được đúng 1 đơn hàng đóng tàu mới. Hiện nay công việc chủ yếu của Xí nghiệp là sửa chữa tàu trọng tải nhỏ, việc đóng mới tàu vỏ sắt cũng chỉ mới bắt tay vào làm được một thời gian.

 Theo các chủ tàu thì mặc dù nghề đóng tàu vỏ gỗ là nghề truyền thống của địa phương, làm nên thương hiệu và là niềm tự hào của Hà An. Tuy nhiên, trước nhu cầu của thị trường buộc lòng các đơn vị đóng tàu đều phải có hướng đi mới phù hợp hơn.

Để có hướng đi mới

Để phù hợp với xu thế chung, có thể nói việc chuyển đổi từ đóng tàu vỏ gỗ sang đóng tàu vỏ sắt đối với các xưởng tàu ở Hà An là tất yếu. Tuy nhiên, đây không phải là một việc làm đơn giản. Bởi do hạ tầng cơ sở tại hầu hết các xưởng tàu hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu để đóng mới tàu vỏ sắt, đặc biệt là tàu sắt trọng tải lớn. Bà Nguyễn Thị Tuyền, đại diện Công ty TNHH Thịnh An cho biết: Công ty chúng tôi cũng như đa số các đơn vị đóng tàu khác trong phường, trước đây, do chỉ đóng và sửa chữa các con tàu vỏ gỗ, trọng tải thấp nên mặt bằng nhỏ cũng vẫn hoạt động được. Nhưng bây giờ các đơn hàng đóng thuyền trọng tải lớn là chủ yếu, lại là đóng tàu vỏ sắt nên mặt bằng cũ không đáp ứng được nữa. Công ty đã phải thuê mặt bằng tại Nhà máy đóng tàu Ba Lan để đóng tàu tại đó. Tuy nhiên, về lâu dài đây không phải là một giải pháp tốt vì công vận chuyển máy móc thiết bị rất đắt, công nhân thường xuyên bị điều động từ nơi này đến nơi khác nên khó khăn hơn trong việc chủ động công việc…

Ngoài khó khăn về mặt bằng, các xưởng tàu hiện nay còn gặp nhiều khó khăn để chuyển đổi đóng mới tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ sắt, nhất là về nguồn điện, hạ tầng giao thông và vốn… Cũng theo ông Bùi Huy Tập, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu, vận tải Hà An cho biết thêm: Ngành điện đang yêu cầu chúng tôi phải tự bỏ tiền đầu tư trạm điện phục vụ hoạt động của mình. Nếu là trong thời điểm trước khi còn làm ăn được thì không nói làm gì chứ như hiện nay, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, việc đầu tư thiết bị để sản xuất đã khó thì doanh nghiệp không thể có tiền đầu tư trạm biến áp được.  

Được biết, hiện nhiều doanh nghiệp đóng tàu đang lên kế hoạch đầu tư máy móc, mở rộng xưởng đóng tàu nhằm đáp ứng nhu cầu đóng tàu vỏ sắt. Song để trang bị đầy đủ máy móc, tích trữ nguyên liệu thực hiện việc đóng tàu vỏ sắt thì ít doanh nghiệp kịp đáp ứng ngay. Lúc này, thiết nghĩ mọi sự hỗ trợ cho doanh nghiệp đóng tàu đều rất cần thiết để nghề đóng tàu truyền thống ở Hà An vượt khó, tiếp tục có những bứt phá mới.

Hồng Nhung



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét